CHƯƠNG 1 - AI ĐỊNH CƯỜI MICK JAGGER?
Chỉ cần tôi có thể chạy được một cự ly nào đó thì tôi chẳng quan tâm gì hơn. Thỉnh thoảng tôi chạy nhanh khi thích, nhưng nếu tăng tốc thì tôi lại giảm thời gian chạy, vấn đề là để niềm hồ hởi tôi cảm thấy vào cuối mỗi lần chạy kéo dài qua ngày hôm sau. Đây cũng chính là kiểu chiến thuật tôi cho là cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình có thể viết nữa. Cứ làm vậy, thì công việc ngày hôm sau sẽ diễn ra trôi chảy đến lạ lùng. Tôi cho là Ernest Hemingway cũng đã làm gần giống như thế. Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi ta đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định - và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗi lực hết sức mình.
Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua. Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp.
Bắt đầu có một cảm giác thất vọng rằng tất cả công sức của tôi đã không được đền đáp, rằng có cái gì đó đang cản trở tôi, như một cánh cửa mọi ngày vẫn mở rộng bỗng đóng sầm trước mặt tôi. Tôi gọi tình trạng này là nỗi buồn người chạy.
... đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về chuyện già đi, và những cảm xúc tôi có nữa, tất cả đều là những cảm xúc lần đầu. Nếu đó là thứ gì tôi đã kinh qua trước đây thì tôi đã có thể hiểu dễ dàng hơn, nhưng vì đây là lần đầu tiên nên tôi không thể. Tạm thời tôi chỉ có thể làm mỗi một điều là tạm hoãn bất kỳ đánh giá chi tiết nào và chấp nhận mọi sự như thế. Cũng giống như tôi chấp nhận bầu trời, những đám mây, và dòng sông. Và còn có cả cái gì hồ như hài hước nơi toàn bộ chuyện ấy, cái gì đấy ta không muốn vứt bỏ hoàn toàn.
Hãy thứ lỗi cho tôi khi nói điều hiển nhiên, nhưng thế giới này hình thành từ đủ mọi hạng người. Người khác có giá trị riêng của họ để sống theo, điều đó cũng đúng đối với tôi. Những khác biệt ấy làm nảy sinh bất đồng, và sự kết hợp các bất đồng này lại có thể làm nảy sinh những ngộ nhận còn lớn hơn. Kết quả là, đôi khi người ta bị chỉ trích sai. Dĩ nhiên rồi. Bị hiểu lầm hay chỉ trích thì chẳng mấy vui vẻ, mà đúng hơn là một kinh nghiệm cay đắng làm người ta bị tổn thương sâu sắc.
Dù sao, khi già đi, tôi dần dần nhận ra rằng kiểu đau lòng và tổn thương này là một phần tất yếu của cuộc sống. Cứ nghĩ mà xem, chính bởi con người ta khác với mọi người mà họ có thể tạo ra cái tôi độc lập riêng của mình. Lấy tôi làm ví dụ. Chính nhờ cái khả năng phát hiện ra một số khía cạnh của một cảnh quan mà người khác không thể, cảm thấy khác với người khác và chọn lựa từ ngữ khác với từ ngữ của họ mà tôi có thể viết những câu chuyện chỉ của tôi mà thôi. Chính vì vậy mà ta có một tình trạng khác thường là rất nhiều người đọc cái tôi đã viết. Vậy nên cái thực tế tôi là tôi chứ không phải ai khác là một trong những vốn quý lớn nhất của tôi. Tổn thương về mặt cảm xúc là cái giá một người phải trả để được độc lập.
Khi tôi bị chỉ trích không đúng (ít nhất thì cũng theo quan điểm của tôi), hoặc khi ai đó mà tôi tin chắc sẽ hiểu tôi nhưng lại không hiểu, tôi bỏ đi chạy bộ lâu hơn thường lệ một chút. Chạy lâu hơn thì cũng giống như là tôi giải tỏa được về mặt thể chất cái phần bất mãn ấy trong tôi. Điều đó cũng khiến tôi một lần nữa nhận ra mình yếu đuối như thế nào, các khả năng của mình hạn chế ra sao.
Tôi âm thầm thẩm thấu những thứ tôi có thể, giải tỏa chúng đi sau đó, và trong một hình thức biến đổi có thể, như một phần của cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết.
Bị ai đó không thích, căm ghét và xem thường không hiểu sao lại có vẻ là điều tự nhiên hơn.
Mình đã già đi, thời gian đang tính sổ với mình. Chuyện đó chẳng phải lỗi ai cả. Đấy là luật chơi. Cũng như sông chảy về biển, già đi và chậm lại chỉ là một phần của cảnh sắc thiên nhiên, mình phải chấp nhận nó. Có thể nó không phải là một quá trình thú vị gì lắm. Nhưng dù sao thì tôi có được lựa chọn chăng?
CHƯƠNG 2 - MẸO TRỞ THÀNH TIỂU THUYẾT GIA CHẠY BỘ
... cách duy nhất để hiểu cái gì thực sự công bằng là biết nhìn xa về mọi sự
Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.
... một người dù có ý chí mạnh thế nào chăng nữa, dù y có ghét thất bại bao nhiêu chăng nữa, song nếu đó là một hoạt động y không thật sự để tâm, y sẽ không duy trì nó được lâu. Cho dù y có làm, điều đó cũng sẽ không có lợi cho y.
CHƯƠNG 3 - ATHENS GIỮA MÙA HÈ – LẦN ĐẦU CHẠY 26,2 DẶM
Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ. Ngắn gọn thế thôi. Không đủ rèn luyện tổng quát, cộng với không chịu giảm cân. Vô tình, tôi đã nuôi một kiểu thái độ kiêu mạn, tin chắc rằng chỉ một lượng tập luyện kha khá là đủ để tôi làm tốt rồi. Bức tường phân cách giữa tự tin đúng đắn và kiêu hãnh vô căn cứ khá là mong manh. Khi tôi còn trẻ, có lẽ là một khối lượng tập luyện tàm tạm là đủ để tôi chạy một cuộc đua marathon. Không ép mình tập luyện thì tôi cũng đã có thể trông cậy vào sức lực mình tích lũy được để vượt qua và chạy với quãng thời gian khá. Đáng buồn là, dù sao, tôi không còn trẻ nữa. Tôi đang đến cái tuổi khi ta thực sự chỉ có được cái mà ta đã trả giá.
Không – quên bia đi. Và quên cả mặt trời đi. Quên gió. Quên cả bài báo mình phải viết. Chỉ tập trung vào việc đưa hai bàn chân mình tới trước, bàn chân này tiếp bàn chân kia. Đó là điều duy nhất quan trọng.
Tới đâu như dặm thứ hai mươi ba thì tôi bắt đầu căm ghét mọi thứ. Đủ rồi! Sức lực của mình đã cạn sạch rồi, mình không muốn chạy nữa. Tôi cảm thấy như mình đang lái một chiếc xe hết xăng. Tôi muốn uống nước, nhưng nếu dừng ngay đây để uống chút nước thì tôi không tin mình có thể tiếp tục chạy. Tôi sắp chết khát nhưng không còn đủ sức để uống nước nữa. Khi những ý nghĩ này lướt qua đầu, tôi dần trở nên giận dữ. Giận lũ cừu đang nhởn nhơ gặm cỏ nơi lô đất trống bên đường, giận gã nhiếp ảnh đang ngồi trong xe chụp hình ra. Tiếng cái cửa chập làm tôi điên tiết lên. Dù sao thì ai cần nhiều cừu thế chứ? Nhưng việc bấm cửa chập là việc của gã nhiếp ảnh, cũng như nhai cỏ là chuyện của lũ cừu, vậy nên tôi chẳng có quyền gì mà kêu ca. Ấy thế mà, toàn bộ chuyện ấy thực sự làm tôi bực bội không dứt.
“Chỉ một dặm nữa thôi. Cố lên!” gã biên tập trong xe hồ hởi la lên. Anh nói thì dễ lắm, tôi muốn quát lại, nhưng không. Mặt trời rõ ràng đang thiêu đốt. Chỉ mới hơn chín giờ sáng mà tôi cảm thấy như đang ngồi trong lò lửa. Mồ hôi tràng vào mắt tôi. Muối làm tôi cay rát, và trong chốc lát tôi không thấy được gì cả. Tôi đưa tay lau mồ hôi, nhưng cả bàn tay và mặt tôi cũng đầy cả muối, nó làm mắt tôi còn rát hơn.
Tôi vui mừng khi thấy vạch đích, rõ ràng là thế rồi, nhưng sự đột ngột ấy không hiểu sao làm tôi điên tiết. Vì đây là chặng cuối của đường chạy, tôi muốn có một nỗ lực cuối cùng, mãnh liệt là chạy nhanh hết sức mình, nhưng hai chân tôi lại có suy nghĩ riêng của chúng. Tôi hoàn toàn không nhớ làm sao để vận động cơ thể mình. Tất cả các cơ bắp của tôi có cảm giác như đã bị một cái bào han gỉ bào đi mất.
Tôi ngồi trong quán cà phê làng nốc bia Amstel lạnh. Nó có mùi vị thật tuyệt vời, nhưng không thể nào tuyệt bằng mùi vị đã tưởng tượng trong lúc chạy. Không có gì trong thế giới thực lại đẹp đẽ như những ảo ảnh của một kẻ sắp bất tỉnh.
Tôi đã tưởng sẽ tự hào về cái mình đã làm được, nhưng ngay lúc này tôi không còn bận tâm nữa. Điều làm tôi hạnh phúc ngay lúc này đây là biết rằng mình không phải chạy thêm một bước nào nữa.
Phù! – Mình không phải chạy nữa.
Tôi cho là có một vài kiểu quá trình không cho phép bất kì sự thay đổi nào. Nếu ta phải làm một phần của quá trình đó, tất cả những gì ta có thể làm là thay đổi – hay đúng hơn là làm biến dạng – chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy, và biến quá trình đó thành một phần tính cách của chính mình.
CHƯƠNG 4 - PHẦN LỚN NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ VIẾT TRUYỆN LÀ DO HỌC ĐƯỢC TỪ CHẠY BỘ MỖI NGÀY
Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.
Phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày. Đó là những bài học thực tiễn, cụ thể. Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Nghỉ ngơi chừng nào là thích hợp – và chừng nào thì quá nhiều? Tôi có thể đưa được một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Khi nào thì nó trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi phải ý thức được thế giới bên ngoài đến mức nào, và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm mình chừng nào? Tôi phải tự tin ở những khả năng của mình đến chừng mực nào, và khi nào thì tôi nên bắt đầu tự hoài nghi chính mình?
CHƯƠNG 5 - DÙ CHO HỒI ẤY TÔI CÓ ĐUÔI TÓC DÀI ĐI NỮA
Đây là một ý kiến cũ rích, nhưng người ta nói: nếu có gì đó đáng làm thì nó đáng để ta cố gắng hết sức – hay trong một số trường hợp là vượt quá cả sự cố gắng hết sức của ta.
CHƯƠNG 6 - KHÔNG AI ĐẬP BÀN NỮA, CHẲNG AI NÉM TÁCH NỮA
...khi một hành động lệch khỏi cái thông thường song vẫn không vi phạm các giá trị cơ bản, ta sẽ mong nó cho ta một kiểu tự nhận thức đặc biệt nào đó. Nó phải thêm vào vài yếu tố mới vào kho của ta để ta hiểu mình là ai. Và kết quả là, quan niệm sống của ta, màu sắc và hình dạng của cái quan niệm sống đó, phải biến chuyển.
Mình không phải là người. mình là một cái máy. Mình không cần phải làm gì cả. cứ tiến lên phía trước.
Đó là điều tôi đã tự nhủ. Đó gần như là tất cả những gì tôi nghĩ đến, và đó là cái giúp tôi qua được. nếu tôi là một người sống bằng xương bằng thịt thì tôi đã có thể gục xuống vì đau. Dứt khoát có một tồn tại gọi là tôi ở ngay đó. Và đi kèm tồn tại đó là một ý thức – bản ngã. Nhưng lúc đó, tôi phải buộc mình nghĩ rằng những thứ ấy không gì hơn là những quy ước dễ chịu. Đó là một kiểu suy nghĩ kỳ lạ và dứt khoát là một cảm giác rất kỳ lạ - ý thức cố phủ định ý thức. Ta phải ép mình vào một chốn vô tri. Một cách bản năng tôi nhận ra rằng đây là cách duy nhất để qua khỏi.
Cũng hệt như đời sống của chúng ta. Chẳng phải vì có một cái kết thúc mà tồn tại là có ý nghĩa. Một điểm kết thúc chẳng qua là được dựng lên như một cột mốc tạm thời, hay có lẽ như một ẩn dụ gián tiếp cho bản chất trôi chảy của sự tồn tại.
CHƯƠNG 7 - MÙA THU Ở NEW YORK
Cái bóng đen đã biến mất hay chưa? Hay là nó vẫn còn bên trong tôi, lẩn khuất, chờ thời cơ lộ diện lại?
Tôi đã nhìn sâu bên trong mình, cố phát hiện ra cái gì đó có thể ở đấy. Nhưng như ý thức ta là một mê hồn trận, cơ thể ta cũng thế. Ta quay sang đâu cũng là bóng tối, và một điểm mù. Đâu ta cũng thấy những dấu hiệu lặng câm, đâu cũng có một bất ngờ chờ ta.
CHƯƠNG 8 - 18 TUỔI ĐẾN KHI TÔI CHẾT
Trong hầu hết trường hợp, học được cái gì quan trọng trong đời cũng đòi hỏi một nỗi đau thể xác.
Tôi không cần biết người khác nói gì – chỉ vì bản tính của tôi là vậy, cách của tôi là thế. Như bọ cạp đốt, ve sầu bám vào cây, cá hồi bơi ngược dòng về nơi chúng sinh ra, và vịt hoang kết bạn tình suốt đời.
Tôi ngước nhìn bầu trời, tự hỏi không biết mình có thoáng thấy lòng nhân từ trên đó không, nhưng tôi không thấy. Tất cả những gì tôi thấy là những đám mây mùa hè hững hờ trôi trên bầu trời Thái B́nh Dương. Và chúng chẳng có gì để nói với tôi cả. Mây bao giờ cũng ít nói. Tôi có lẽ không nên nhìn lên chúng. Cái tôi nên nhìn là bên trong tôi. Như nhìn đăm đăm vào một cái giếng sâu. Tôi có thể nhìn thấy lòng nhân từ dưới đấy không? Không, tất cả những gì tôi nhìn thấy là bản tính của chính mình. Bản tính riêng biệt, cứng đầu, bất hợp tác, thường nghĩ quá nhiều về mình mà vẫn còn hoài nghi chính nó – bản tính mà, khi rắc rối xảy ra, cố tìm thấy cái gì ấy vui vẻ, hay cái gì đó gần như ngộ nghĩnh, nơi tình huống đó. Tôi đã mang theo tính cách này như một cái va li cũ, trên một con đường dài bụi bặm. Tôi không mang nó theo vì tôi thích nó. Cái chứa đựng bên trong quá trĩu nặng,và nó trông nhếch nhác, sờn rách loang lổ. Tôi đã mang nó theo mình vì không có gì khác tôi phải mang.
CHƯƠNG 9 - ÍT RA ÔNG ẤY KHÔNG BAO GIỜ CUỐC BỘ
...do lỗi lầm và khiếm khuyết của ta gần như vô tận, tốt nhất ta nên nhận thức ra những ưu điểm của mình và học cách xoay xở với cái mình có.
Dù tôi có già đi bao nhiêu đi nữa, nhưng chừng nào tôi vẫn còn sống thì tôi vẫn còn luôn khám phá ra cái gì đó mới mẻ ở bản thân.
Phẩm chất kinh nghiệm của ta không dựa trên các tiêu chuẩn như thời gian hay thứ hạng, mà là cuối cùng ta nhận ra được tính trôi chảy ở chính hành động. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì là thế đấy.
Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể. (Nó phải là cụ thể, dù có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa). Và tôi hy vọng rằng theo thời gian, khi cuộc đua này tiếp cuộc đua khác, cuối cùng tôi sẽ đến được một nơi mà tôi hài lòng. Mà cũng có thể chỉ thoáng thấy nó.
----------------------------------------
Trích Haruki Murakami - "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ"
"Nhan đề cuốn sách được lấy từ nhan đề một tập truyện ngắn của một nhà văn tôi yêu quý, Raymond Carver, Mình nói gì khi mình nói chuyện tình (What we talk about when we talk about love)."
1 comments:
https://www.youtube.com/watch?v=C8usJTPpVnw&spfreload=10
Post a Comment