Monday, December 21, 2009

Một mình




Wednesday, December 16, 2009

Mối tình đầu

Đời người nhiều khi thành đạt hay làng nhàng, hạnh phúc hay đau khổ, giàu có hay bị gậy, vợ đẹp con xinh hay lủi thủi thân cô có khi vì những duyên cớ lãng xẹt.Ví như làm bài thi thiếu một con số không, vừa lãnh tiền nhà băng ra liền bị cướp trắng tay, đang đi trên lề đường thì bị xe tải chồm lên vì thằng lái xe say rượu, hay vì bị mẹ người yêu hiểu lầm.

Còn đời anh vuột mất một mối tình thơ dại chỉ tại… cái chuồng heo

Anh và nàng học chung lớp chung trường từ lớp một đến lớp mười hai. Nhà hai đứa cùng ở một xóm nhỏ ven sông nhưng đấu lưng nhau, cửa trước mỗi nhà mở ra hướng khác nhau, đằng sau hai nhà đều có khoảnh sân rộng; chỉ khác là trên khoảnh sân nhà anh có một cái chuồng nuôi heo và một cây me cổ thụ rợp bóng, mỗi nắng xế hào phóng che mát luôn những chậu hoa hồng hoa cúc trên khoảnh sân nhà nàng.

Thói quen rủ nàng cùng đến trường không biết có từ lúc nào, có lẽ từ lúc hai đứa không cần người lớn cầm tay dắt qua cây cầu ván vắt ngang con sông chia thị xã thành hai.

Lớn lên anh mới có cảm nhận bất cứ miền quê hay thành phố nào có con sông vắt ngang đều thơ mộng và trữ tình, chứ hồi nhỏ anh sợ chết khiếp mỗi lần phải đi qua cây cầu ván, ngoài lối cho xe chạy ở giữa, hai bên còn có lối đi nhỏ hơn dành cho người đi bộ, tất cả đều lót bằng gỗ.

Ngày đó mỗi lần qua sông và về nhà, anh cứ chăm chăm nhìn các kẽ giữa hai thanh gỗ, dù rất nhỏ, anh vẫn nhìn thấy màu nước xanh chập chờn dưới sông và tưởng tượng mình sẽ rơi cái tỏm rồi chìm nghỉm, bỏ mặc nàng mặt xanh lét như tàu chuối non, đứng khóc không ra tiếng.

Mỗi sáng, anh đánh một đường vòng qua cửa nhà nàng, rồi hai đứa đi chậm dọc theo bờ sông trước khi lên dốc cầu, qua hết cây cầu chỉ cần đi thẳng một đường, qua hai cái ngã tư là đến trường tiểu học, còn qua năm cái ngã tư là đến trường trung học.

Hai đứa thân thuộc như hình với bóng, hễ nàng nghỉ bệnh là anh cũng muốn bệnh theo vì sợ phải lủi thủi đến trường học một mình. Tụi bạn chọc ghẹo dữ lắm, chúng gán đôi cho anh và nàng nhưng hai đứa vẫn cùng đi cùng về, có ngày mưa còn che chung một chiếc áo mưa màu xám dầy cộm của ba nàng. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời anh.

Thị xã thật êm đềm, cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá mực, làm nước mắm, buôn bán, lái xe… Tất nhiên có một số người hưởng lương như công chức, thầy giáo, cảnh sát, lính tráng.

Ba anh làm nghề đánh bắt cá mực, chỉ là người làm thuê trên thuyền cá nên chật vật lắm mới đủ nuôi mấy đứa con đến trường. Người làm thuê trên thuyền đánh bắt hải sản gọi là đi bạn, chủ thuyền đầu tư từ con thuyền, lưới chài đến chi phí ăn uống hàng ngày cho đám bạn thường từ mười đến mười hai người.

Tiền bán cá mực sau khi trừ chi phí sản xuất, không tính vốn đầu tư phương tiện, sẽ được chia hai phần, chủ thuyền hưởng một phần, phần còn lại được chia cho tất cả bạn thuyền. Nói chung, bạn thuyền lao động cật lực, có khi đổi mạng sống của mình để kiếm miếng cơm manh áo.

Vào thập niên một chín sáu mươi, miệt biển quê anh mới có thuyền đánh cá chạy bằng thủy động cơ, chứ trước kia bạn thuyền phải thức thâu đêm để chèo thuyền, vừa ngước cổ nhìn sao mà van vái đất trời ban cho cơn gió mạnh, để xổ cánh buồm giúp thuyền đi nhanh đến nơi buông lưới.

Má anh buôn bán cá, bà xuống bến mua cá rồi phân ra nhiều rổ nhỏ bằng bàn tay đan bằng tre gọi là cái xịa, kĩu kịt gánh gồng lên chợ miệt quê cách đó năm bảy cây số để bán.

Khi thuyền đánh cá vừa đâm mũi vào bờ, những người đàn bà mua cá đã nhao nhao giành giật, họ hô lớn: thùng số một, thùng số hai, thùng số ba… Có nghĩa là khi bạn thuyền đong thùng cá có ngọn nặng khoảng hai mươi ký đầu tiên, đổ vào giỏ cần xé khiêng lên bờ, thì người hô thùng số một sẽ được mua theo giá của người nhà chủ thuyền rao bán, rồi cứ thế tiếp tục.

Có khi tới mười người bắt số nhưng thuyền chỉ đánh được năm thùng cá thì người bắt số sáu trở lên phải quáng quàng chạy tìm mua cá nơi thuyền khác cho kịp buổi chợ.

Những người đàn bà phơi nắng mưa trên bãi biển trong khi chờ thuyền về bến thường xỉa bài tứ sắc, cãi cọ, mắng mỏ, thậm chí cả đánh nhau để giành giật mua cá tươi được gọi bằng cái tên có vẻ miệt thị là bọn rổi.

Ở vùng biển quê anh có hai loại rổi, rổi nước là người dùng thuyền chèo ra cửa sông đón mua cá khi thuyền chưa kịp cặp bờ, rổi bờ là người mua cá trên bến. Mẹ anh thuộc loại rổi thứ hai. Ở vùng biển, chửi người khác “đồ rổi rác” là khinh miệt ghê gớm.

Vậy mà có lần mẹ nàng đã chửi mẹ anh là “đồ rổi rác”.

Ba nàng làm công chức trong tòa hành chánh tỉnh. Ngày đó, lương một công chức xoàng cũng đủ nuôi vợ và mấy đứa con, ba nàng lại là người có chức vụ nên gia đình nàng thuộc loại khá giả, mẹ nàng chỉ lo việc nội trợ, chăm sóc con cái; hoàn toàn trái ngược với cảnh ba anh vật lộn sóng gió, mẹ anh giành giật mớ cá mớ tôm để mưu sinh.

Mẹ nàng xinh đẹp, quý phái, nghe đâu là con một vị quan từng được triều đình Huế trọng dụng. Nàng thừa hưởng của mẹ về nhan sắc và cả sự giáo dục công – dung – ngôn – hạnh của người phụ nữ thế kỷ trước.

Anh chưa bao giờ bước chân qua cái cổng gạch có giàn hoa ti gôn để vào nhà nàng, anh chỉ dám thập thò bên kia đường nhìn sang hai cánh cổng gỗ lên nước đen bóng và nặng nề, chờ nghe tiếng ken két và cánh cổng mở hé vừa đủ cho nàng lách mình bước ra, cười nhỏ nhẹ với anh và hai đứa cùng đến trường.

Còn ba má anh thì càng không có lý do gì để bước vào cái thế giới hoàn toàn khác biệt với cuộc sống của một gia đình nghèo sống nhờ sự hào phóng nhưng tâm tính cũng thất thường của biển cả..

Cũng tại cái chuồng heo mà sanh chuyện.

Năm đó, mùa cá thất bát. Cả năm vật lộn sóng gió, khi thuyền đã kéo lên bờ, tính ra mỗi bạn thuyền chỉ được chia vài ngàn bạc. Ba anh ôm tấm nốp rách về nhà, trong túi không có lấy một đồng vì chủ thuyền đã trừ tiền vay mượn.

Má anh bày chuyện nuôi mấy con heo để bỏ ống. Cái chuồng heo được xây bên gốc me, chỉ xây ba vách còn vách thứ tư mượn bức tường ngăn giữa sân hai nhà.

Hai tháng đầu, gia đình nàng không hề biết có cái chuồng heo nằm sát sân sau nhà mình nhưng qua tháng thứ ba, heo lớn nên ăn nhiều, mà ăn nhiều thì chúng thải phân nhiều, do đó mà rắc rối.

Một sáng chủ nhật, má nàng sang nhà anh. Nhiều năm sau anh còn ao ước phải chi không là sáng chủ nhật để anh không có mặt và phải nghe những lời nói đau lòng giữa hai người mẹ.

Anh lúng túng chào mẹ nàng. Đó là lần đầu tiên anh thấy bà ở cự ly gần nhất, bà không để ý đến lời chào của anh, mà nhỏ nhẹ nói với má anh về mùi hôi thối của phân heo nồng nặc theo gió bay vào nhà bà, phân heo còn sinh nhiều ruồi nhặng gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe của người trong xóm. Má anh nổi máu rổi lên, hỏi móc họng:

- Bà có quyền gì cấm tui nuôi heo?

Mặc người phụ nữ hiền hậu điềm đạm giải thích, má anh càng to tiếng và có thái độ thách thức:

- Tui cứ nuôi heo đó, bà có chê hôi thúi thì bán nhà đi nơi khác mà ở.

- Đồ rổi rác!

Buông câu khinh miệt lạnh lùng, má nàng bỏ về với thái độ tức giận.

Lúc này, anh muốn bảo mẹ hãy thôi xúc phạm người khác và chạy theo xin lỗi má nàng nhưng anh đứng chôn chân, thầm trách má mình thật quá quắt, đã đối xử y như một mụ rổi trên bến cá.

Anh run sợ ôm mặt khóc nức nở. Anh cảm thấy hoàn toàn bất lực vì không ngăn chặn được một sự đổ vỡ ghê gớm đang diễn ra, một sự đổ vỡ không cách gì hàn gắn được.

Sáng thứ hai, anh đến trước cổng nhà nàng rất sớm, sắp sẵn những lời xin lỗi má nàng và cả nàng nữa, mà anh sẽ chân thành nói với nàng trên đường đến trường.

Nhưng khi tiếng ken két của cánh cổng gỗ nặng nề vang lên, nàng không xuất hiện một mình mà thêm một thằng mặc đồng phục trường trung học tư thục cách trường công lập anh và nàng đang học mấy trăm mét.

Thằng này dắt chiếc xe đạp mới láng cóng ra cổng, ngồi lên yên xe, một chân đặt trên pê đan; nó chờ nàng vén tà áo dài, ngồi sau pọt ba ga, liền nhấn pê đan.

Chiếc xe lảo đảo rồi bon bon, bỏ anh đứng chết trân bên đường. Anh còn kịp bắt gặp ánh mắt nàng nhìn lướt qua anh buồn bã. Đó là một buổi sáng của năm học lớp mười, một buổi sáng không lúc nào nguôi ngoai trong ký ức kẻ không còn bình yên suốt những năm sau đó.

Vào giờ ra chơi, nàng chủ động tìm anh.

- Má Hương Giang không cho hai đứa mình đi học chung nữa. Má nhờ anh Nam, con người bạn của ba má chở Hương Giang đi học. Hùng hiểu cho, nhưng Hương Giang vẫn coi Hùng như người bạn thân nhất của mình.

- Tôi xin lỗi má Hương Giang, cả Hương Giang nữa …

Không để anh dứt lời, nàng buồn buồn:

- Hương Giang không trách má Hùng đâu. Thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Cũng không phải vì chuyện đó mà má không cho đi chung đâu, má nói lâu rồi nhưng Hương Giang không vâng lời. Hương Giang thích đi bộ với Hùng hơn…

Dưới chân cầu bên kia sông có một công viên nhỏ, không được cùng nàng sánh bước, mỗi sáng sớm, anh đến ngồi trên hàng trụ xây thấp chờ Hương Giang ngồi sau chiếc xe đạp chạy ngang.

Có khi nàng khuất lấp trong dòng sông trắng nhấp nhô nón lá trắng, anh vội vàng đến trường, nhìn thấy nàng để yên tâm là nàng không bệnh hoạn phải nghỉ học.

Mà đâu xa xôi cách trở, đợi đến giờ vào lớp là anh được nhìn thấy Hương Giang, nói vẩn vơ với nàng vài câu nhưng sao anh cứ bồn chồn, lo lắng làm như không còn được đi chung đường đến trường là anh sẽ mất nàng vĩnh viễn.

Bóng hình nàng đã chập chờn suốt đêm qua khiến anh không ngủ được, hai mắt anh cay sè và đôi tai thì lùng bùng tiếng thầy cô giảng bài, trong khi đầu óc anh bị ám ảnh bởi những vần thơ con cóc của kẻ tưởng tượng mình bị người tình phụ bạc.

Rồi câu chuyện tình chưa có thật của anh và nàng cũng đến hồi có chiều hướng thành có thật, khi anh quyết tâm gửi cho nàng lá thư qua “bưu điện hộc bàn”. Trời ạ, nàng đã hồi âm lá thư than mây khóc gió gửi gắm tình cảm của anh một cách bóng gió xa xôi.

Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm, anh vẫn còn thuộc lòng từng nét bút nghiêng nghiêng của nàng trên tờ giấy vở học trò : “Hùng mến, Hương Giang rất mến Hùng. Hương Giang cảm nhận được tình cảm của Hùng dành cho Hương Giang nhưng hai đứa mình còn là học trò, hãy ráng học hành đỗ đạt, ra trường đi làm rồi hãy tính chuyện xa xôi, Hùng nhé …”.

Mùa hè năm đó anh trèo cây rất giỏi. Hương Giang hầu như không đi ra khỏi nhà, má nàng thuê thầy đến nhà ôn tập hè cho nàng, họa hoằn lắm nàng mới đi chợ nhưng lúc nào cũng có má kè kè. Nhớ cô bạn có mái tóc dài xõa lưng và đôi mắt long lanh, anh chỉ còn cách trèo lên cây me um tùm cạnh chuồng heo để nhìn sang sân nhà nàng.

Hương Giang có hai em gái. Chiều mát, ba chị em thường chơi nhảy lò cò trên khoảnh sân rộng. Ba chị em ném cục mảnh sành vào các ô hình vuông vẽ trên đất, chân co chân nhảy lò cò, rồi cúi lượm mảnh sành và lò cò về điểm xuất phát, ai ngã thì thua cuộc. Người được người thua đều cười giòn tan, tiếng cười bay qua khỏi bức tường thấp, đến tai anh đang núp kín đáo ở một chạc ba cây me.

Có lẽ Hương Giang chơi lò cò vì muốn chiều cô em út, nàng thường vờ ngã, chịu thua cho các em vui. Ba chị em mê mải chơi, còn anh mê mải ngắm nàng, nàng cột tóc đuôi ngựa nên mỗi lần lò cò, cái đuôi ngựa quất qua quất lại trên lưng, gương mặt nàng sáng rỡ hồn nhiên, tươi tắn chứ không nghiêm trang và lặng lẽ như lúc ở trường.

Trong bộ đồ hoa màu nhạt mặc ở nhà, trông nàng thật nhỏ nhắn và thân thương. Cũng có khi nàng bắc ghế ngồi đọc sách, tóc lòa xòa rủ trước trán, ánh mắt nhìn xa xăm.

Mùa me chín, anh chọn hái những quả chín đẹp mắt nhất, ném qua phía sân nhà nàng. Cây me không biết có phải nhờ phân heo không mà mùa này cho trái chín ngòn ngọt, không chua nhiều như trước.

Ngồi khuất sau chạc ba rậm rạp, anh thích thú nhìn nàng và hai em nhặt me. Mãi mãi Hương Giang không biết vì sao me chín rụng rất nhiều ở phần sân nhà nàng.

Anh muốn tặng me chín cho nàng một cách đàng hoàng nhưng sợ má nàng biết, rồi lộ chuyện anh leo lên cây nhòm ngó nhà người khác. Anh biết, trong mắt má nàng, anh là thằng hư hỏng, thằng du côn, thằng con mụ rổi…

Đến bây giờ, anh vẫn cho rằng anh đánh thằng Nam là vì nó xứng đáng hưởng như thế. Anh đang có những buổi sáng mùa đông cùng nàng bước chậm qua cây cầu ván cong cong mờ tỏ trong hơi nước và sương mù quyện nhau thì con kỳ đà Nam cản mũi.

Anh đang có buổi trưa bụng đói cồn cào nhưng cứ muốn con đường dài ra mãi vì không muốn xa nàng thì có thằng hớt tay trên. Chỉ tưởng tượng thằng Nam vờ đạp xe loạng choạng để nàng sợ hãi ôm choàng thắt lưng nó là máu nóng phừng phừng lên mặt anh.

Khoảng nửa tháng sau ngày anh không còn được phép đi học chung với nàng, vào một đêm, anh phục kích thằng Nam ở một khúc cua vắng người, bất thần nhào ra trút tất cả nỗi giận dữ lên người nó.

Sáng hôm sau, Hương Giang đến lớp trễ. Nàng căm giận ném cho anh cái nhìn sắc như dao cắt cau ăn trầu của bà nội anh. Có lẽ chính thằng Nam cũng không biết ai đã đánh mình và vì duyên cớ gì, nhưng nàng thì đoán biết. Giờ ra chơi, nàng chặn anh nơi cửa lớp.

- Hùng độc ác lắm. Sao Hùng lại đánh anh Nam?

- Tôi đánh Nam hồi nào? Ai làm chứng?

Anh chối phắt, còn nàng cứ đổ tội cho anh :

- Sáng nay tôi đi trễ vì chờ anh Nam nhưng anh không đến. Em gái anh nói là đêm qua anh bị người ta đánh, có lẽ vì ghen ghét …

- Tôi có quen biết gì anh Nam của Hương Giang đâu mà nói tôi ghen ghét rồi đánh anh ta?

Anh lý sự, cố tình nhấn mạnh “ anh Nam của Hương Giang”. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh, gằn từng tiếng :

- Mình làm mà không dám nhận thì … hèn lắm!

Nhìn ánh mắt thất vọng và căm giận của nàng, anh muốn hét to: “Ừ, tôi đánh nó đó, tôi đánh nó không phải vì ghen ghét mà vì … ghen tuông”, nhưng nàng đã quày quả bỏ đi.

Mấy cú đấm đá của anh vậy mà có hiệu quả. Nam không còn chở nàng đi học, nhưng anh cũng không bao giờ còn được đi cùng nàng trên con đường đến trường nữa.

Nhiều lần núp trên cây me, nhìn bóng dáng thân thương đi lại, anh chỉ muốn mua thuốc chuột suốt mấy con heo cho nó rồi đời nhưng sợ má anh nợ nần, đành thôi.

***

Tình bạn giữa anh và nàng trong sáng biết bao, và một tình yêu lãng mạn êm đềm đã len lén lan tỏa trong tâm hồn thơ dại của hai đứa học trò. Biết đâu, tình yêu lãng mạn và thánh thiện này không là căn bản cho một gia đình hạnh phúc của anh và nàng, về sau.

Và chắc chắn rằng, được cưới nàng làm vợ, anh sẽ nên người hơn chứ không lông bông suốt những năm sau đó. Biết bao nhiêu cái biết đâu sẽ tốt đẹp hơn cho đời anh nếu không có cái chuồng heo…

Nguồn: Phapsu

Thursday, December 10, 2009

It's complicated but understand me!


Saturday, December 5, 2009

Thư gửi bố


Khi mấy thằng bạn cùng phòng đi chơi hết, con ngồi ở nhà. Con ngồi với bốn bức tường, với chiếc máy vi tính second hand mệt mỏi, với chính sự trống vắng trong lòng của thời mới lớn. Con mới hiểu rằng, suy cho đến kiệt cùng, bố và con là hai thế hệ.

Hai thế hệ cách nhau thêm vài thế hệ nữa. Bố mải toan tính việc đời, con mê việc vui chơi ngông cuồng. Hai bố con mình cứ mải miết đi theo hai dòng chảy của thế hệ mình, bố mang trên vai một gánh vác trách nhiệm và bổn phận, còn con mang một phi thuyền mơ ước trên đôi tay và lúc nào con cũng ước mình có cánh để bay.

Con nhớ như in cái ngày con thi trượt đại học. Con đi lang thang trên cánh đồng trước nhà. Con phóng xe vào thành phố, ném mình vào mấy quán games thâu đêm. Bố đi tìm con. Bố tát con giữa lòng thành phố. Hôm ấy có cả những ngọn đèn đường, chúng cháy man dại một màu vàng sậm. Bố gầm lên:“Tại sao mày điên loạn đến thế nhỉ. Mà sao mày không khóc lên nhỉ! ”. Tại sao bố lại đòi hỏi một thằng con trai khóc, cho dù cái đau đớn đáng khóc đến thế nào đi nữa. Lúc ấy con nghĩ chắc bố muốn con thành một chàng trai hiền lành trong truyện ngắn “Những trái tim nhút nhát” của Pauxtopxki.

Nhưng con không thể say mê như chàng trai ấy, thời của con khác với thời của họ. Con cũng có thể nghe lời, cũng có thể làm phi công, có thể sẵn sàng hy sinh anh dũng cho quê mình. Đó là một lý tưởng cao đẹp. Nhưng không phải cứ nhất thiết phải theo nhịp ước mơ như thế. Con có ước mơ của con, con sống cuộc đời của con. Giá như hôm ấy bố nói: ” Thôi nào, chàng trai, con bỏ bản lĩnh của mình đâu rồi…”. Chỉ cần bố nói một câu như thế, con sẽ trở về, con sẽ bình thản sống. Nhưng bố không làm được điều đó. Bố cho rằng, con là đứa ngông cuồng xốc nổi, con ham hố và ích kỷ, cứ dựa dẫm vào cái mác tuổi trẻ để ích kỷ hết ngày này sang tháng khác. Bố không hiểu nổi con lao vào thành phố để làm gì… Có gì hay ho ở đó…

Cũng như con, không bao giờ con có thể hiểu những câu chuyện xưa cũ của bố bên ấm trà với mấy ông bạn già, con không hiểu những chuyến đi dài ngày trong những đợt nghỉ phép của bố có mạch tâm linh nào đưa lối. Tất cả…. thực lòng là con không hiểu và con không cố gắng cắt nghĩa mọi chuyện rõ ràng. Bởi vì bên cạnh con còn bao nhiêu điều nữa, có sức cám dỗ ghê gớm. Bởi vì con còn quá trẻ, con là đứa trẻ sinh ra giữa một bầu trời khoáng đạt, ngăn ngắt xanh.

Rồi con cũng vào đại học, và làm việc như một thầy tu. Con kiếm tiền. Lúc ấy con nghĩ, thoát khỏi vòng cương tỏa của bố là một điều sung sướng. Nhưng những va đập nơi phố thị làm con lớn lên, con có nhiều buổi tối trống rỗng như thế này. Con không về nhà, kể cả ngày Tết. Cho dù khoảng cách chưa đầy 100 cây số. Con không yêu quí nơi này như quê nhà. Nhưng con sợ những nỗi buồn vây quanh căn nhà ta, con sợ bố mỏi mệt vì rượu và sương lạnh xứ rừng, con sợ bố cho rằng, con không sống nổi phải quay về dựa dẫm. Con cứ trùng trình. Để rồi con giật mình khi đọc “Tuyệt”, con lạnh lòng khi một sớm mai nào, con cũng như chàng trai kia, trở về nhà thì bố đã ra đi. Mãi mãi.

Và tận khi ấy, con mới hiểu rằng, bố không chăm sóc con như những ông bố khác, bố không nuông chiều con như những ông bố khác, bố luôn đòi hỏi ở con một sự vâng lời hoàn thành niệm vụ một cách xuất sắc. Bố xù xì thô mộc. Bố không bao giờ biết nói những lời có cánh. Bởi vì bố là người lính. Bố chỉ biết nói như vậy.

Cũng phải cho đến tối nay, con mới dám thú nhận với mình rằng con ích kỉ và tình thương của bố mới khác thường làm sao. Ngoài kia phố xá đông vui. Trong này chỉ mình con câm lặng. Con nghĩ đến chuyến tàu sớm nhất vào ngày mai.

Và bố ơi, con chỉ xin bố một nụ cười già nua trên khuôn mặt, yên lặng khi con mở cánh cửa gỗ nhà mình, để con không phải vội vã âm thầm ra đi vào sớm hôm sau. Bởi vì lúc này đây, con hiểu vì sao mỗi người đều cần có một gia đình…

Nguồn: Blog XiTrum

Một sớm mai khi tất cả thành hư vô trong đời...

Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối: Một tình yêu đã ra đi; một người bạn không xứng đáng và ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi…

Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng…

Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi…

Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình.

Những người luôn bận lòng với những đố kị, day dứt với những đau khổ, trẫm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống.

“Cuộc đời như dòng sông, ai nói trước được nó sẽ qua những thác ghềnh nào. Nhưng hôm nay, dòng sông đang trôi qua những bờ cỏ mịn màng, đang in bóng trời xanh mây trắng. Lẽ nào sợ thác ghềnh mà sông không dám chảy....?"

Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn.

Nguồn: VietNamNet


Tuesday, December 1, 2009

Còn ta với nồng nàn - một đêm đầu tháng cuối năm


Sunday, November 29, 2009

Một bài văn hay

No matter what...



Các điều luật hôn nhân

Không được hôn bừa hôn bãi
Không được hôn sư sãi đang tụng kinh
Không được hôn người cùng giới tính với mình
Động tác chính chỉ từ đầu xuống cổ
Không được hôn băm hôn bổ
Không được hôn sấn sổ vồ người ta
Không được hôn giữa bãi tha ma
Để người chết còn nằm yên dưới mả
Khi được hôn toàn thân phả...i buông thả
Miệng khép hờ, không được cắn chặt môi
Cũng không được mở rộng như miệng nồi
Tránh tình trạng vi trùng chui vào miệng
Không được vừa hôn vừa nói chuyện
Đồng ý xong rồi cấm được kiện nhau
Có thể hôn vòng từ trước ra sau
Không thấy khoan khoái tuyệt nhiên không được cáu!

~^^~

Mùa trăng quê em




Saturday, November 28, 2009

Một lần trót dại

Lỡ dại một lần, bị vợ trách "có mỗi việc đơn giản là giữ cho vợ con mà không làm được", tôi gắt lên: "Biết thế nhưng... rách bao cao su giữa đường". Em nhìn tôi, nước mắt trào dâng...


Ngày xưa còn yêu nhau lúc nào ở bên nhau anh cũng cầm tay và thơm vào tay em, thế mà từ khi lấy nhau tới giờ chẳng lúc nào em thấy anh cầm tay và thơm nữa. Rồi khi anh vắng nhà anh thường nhắn tin: "anh nhớ em nhiều, hôn em nghìn lần". Thế mà anh về nhà đã hai ngày nay em chẳng thấy anh hôn em cái nào?

Em thường nũng nịu hỏi tôi những câu hỏi đại loại như thế, mỗi khi em hỏi tôi thường ngượng ngịu bảo em đã làm mẹ trẻ con rồi mà tính thì vẫn trẻ con lắm. Có lần cả gia đình tí hon nhà tôi đang ăn cơm em cũng hỏi tôi như thế, tôi đang ăn cơm tay và miệng toàn mùi thức ăn dầu mỡ bóng loáng, tôi vui vẻ bảo: "Em có thích anh làm luôn bây giờ". Và tôi định làm thật, em hoảng hốt né tránh, cu tí nhà tôi chưa được ba tuổi thì ngơ ngác không hiểu gì.

Lấy nhau đã bốn năm, hai vợ chồng tôi đã cùng nhau vượt qua bao gian khó. Tôi tự hào lắm và rất yêu vợ, ngược lại em cũng thế. Vì điều kiện công việc tôi thường xuyên vắng nhà, tôi luôn mang trong mình tình yêu và nỗi nhớ vợ con. Tôi biết vợ chồng xa nhau là sự thiệt thòi cho cả hai, nhưng có lẽ vợ tôi thiệt thòi hơn vì chỉ có mình em chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà. Lúc nào em cũng tận tụy với gia đình, anh em họ hàng.

Nhớ lại ngày đầu tiên tôi đưa em về ra mắt gia đình, ai cũng chê em nhỏ như cái kẹo lại công việc không ổn định. Lúc đó em cũng hơi buồn vì gia đình muốn tôi lấy một cô giáo cho ổn định, lại có thời gian chăm lo con cái. Nhưng tôi và em vẫn quyết lấy nhau, cưới nhau rồi có con, em nghỉ làm ở công ty cũ để chăm con. Rồi em quyết tâm thi tuyển viên chức vào cơ quan giáo dục, em thi đỗ.

Vậy là em cũng là một cô giáo, đúng như ý nguyện ban đầu của bố mẹ tôi, tôi càng yên tâm công tác. Cuộc sống trôi đi với bao nhiêu thăng trầm của nó, những khó khăn vất vả, những lo toan muộn phiền. Nhưng lúc nào em cũng là bến bờ bình yên của tôi. Chẳng lúc nào em làm tôi giận cả, lúc nào ở bên em tôi cũng có cảm giác như ngày mới yêu nhau, em thực sự biết giữ lửa cho cuộc sống vợ chồng.

Vậy mà có lúc tôi đã làm vợ tôi buồn, tôi có lỗi nhiều lắm. Tôi đã làm mất niềm tin trong em, cũng là vô tình một lần uống rượu say bạn bè rủ rê thế là bất đắc dĩ tôi phản bội em. Tỉnh rượu tôi vẫn nhớ lại những gì vữa diễn ra và tôi thấy hoang mang lo sợ nếu như cô gái kia có bệnh xã hội. Câu chuyện đó sẽ mãi là bí mật của riêng tôi nếu như không có chuyện: hậu quả của cái đêm say đó.

Một tuần trôi qua tôi thấy mình có biểu hiện khác lạ, hôm đó tôi về nhà với vợ nhưng tôi vẫn giữ bí mật. Đang ăn cơm em bảo lần này anh về là phải dùng bao cao su đấy, tôi đồng ý luôn vì tôi cũng muốn giữ cho vợ. Tôi lên cơ quan một tuần nữa lại trôi qua, lần này tôi sợ hãi thực sự, tôi lại về nhà với tâm trạng lo lắng sợ hãi và không biết làm sao đành hỏi vợ xem em có bị giống tôi không?

- Anh thấy mình đang bị viêm, em có bị không?

- Không, em không bị làm sao cả. Anh bị viêm ở đâu?

- Anh thấy mình đi tiểu buốt và có mủ.

- Anh bị bệnh lậu rồi. Anh hãy nói thật với em để còn có biện pháp giải quyết sớm.

Tôi quanh co bảo anh thấy triệu trứng như thế thì anh mua kháng sinh về uống.

- Anh nói thật đi, đấy là bệnh xã hội, anh phải giữ gìn cho em. Nếu đã lây bệnh đó rồi thì HIV, viêm gan B cũng không tránh khỏi.

Em giải thích với tôi về những bệnh lây truyền qua đường tình dục, có những bệnh chữa sẽ khỏi và có những bệnh là kết cục buồn.

Em nói: Đàn ông các anh khi ra ngoài xa vợ con sẽ khó tránh khỏi những cám dỗ nhất là khi dùng rượu bia rồi không điều khiển được bản thân. Nhưng các anh phải biết bảo vệ bản thân mình và cũng là giữ gìn cho vợ con. Có mỗi một việc đơn giản như vậy mà anh cũng không làm được.

Đang sẵn tâm trạng sợ hãi lại được vợ nói vậy tôi gắt lên: "Biết thế nhưng rách bao cao su giữa đường".

Em nhìn tôi lặng lẽ quay đi mà nước mắt trào dâng, thế là hết. Em chỉ biết khóc và khóc vì quá hẫng hụt, vì mình bị phản bội. Và giờ đây lai mang tâm trạng lo lắng bệnh tật của chồng. Tôi cũng khóc và chỉ nói được một câu duy nhất: anh xin lỗi em.

Không khí gia đình buồn đến ảm đạm, nhưng lạ thay em không lu loa gào khóc ầm ĩ. Nghĩ một lúc em bảo ngày mai anh đi khám, bệnh lậu thì chữa sẽ khỏi, còn căn bệnh kia thì phải sau 4 tháng đi xét nghiệm mới biết chính xác. Mà chắc không việc gì đâu vì em ăn ở hiền lành như vậy ông trời sẽ có mắt.

Anh biết không cách đây hơn một tháng trên truyền hình có phát sóng chương trình cả thế giới chung tay vì những người có H và không kỳ thị họ. Chương trình có mục đích quyên góp ủng hộ những bệnh nhân có H, mọi người quyên góp bằng nhiều hình thức khác nhau, những người ở xa với tấm lòng của mình có thể gửi tin nhắn chia sẻ tới số máy... mỗi tin nhắn trị giá 10.000đ.

Lúc đó máy điện thoại của em chỉ còn 14.000đ, ban đầu em không có ý định nhắn tin tới chương trình. Nhưng khi xem đến giữa chương trình em thấy mình phải làm một việc gì đó để không phải hối hận và biết đâu những bệnh nhân này trước sau gì họ cũng ra đi và họ sẽ gánh bớt nỗi khổ cho mình. Và em liền nhắn tin gửi tới chương trình, em thấy vui vui trong lòng vì mình làm được một việc tốt. Hy vọng em sẽ gặp may mắn trong cuộc sống, và giữ đức cho chồng cho con. Em tin anh không bị làm sao đâu.

Hôm sau em bảo để em đưa anh đi khám, nhưng tôi thấy làm như vậy thì quá đau khổ cho em, tôi bảo để anh đi một mình. Đúng như những gì em nói bác sĩ bảo tôi bị bệnh lậu tiêm thuốc rồi sẽ khỏi. Tôi lại lên cơ quan, em vẫn gọi điện hỏi xem tôi đã đỡ chưa, rồi em nhắn tin: "em gửi cho anh một bức thư, em nhét ở trong ví của anh đấy anh đọc đi".

"Anh à! Em đã rất tin tưởng anh. Nhưng sự việc này thực sự làm em bất ngờ vì mất niềm tin, em không có lỗi gì. Không biết bây giờ em đang giận anh hay thương anh nữa. Sự việc quá trớ trêu. Anh đừng làm em buồn thêm một lần nào nữa. Có thế nào chúng ta cũng phải đối diện với sự thật. Đi xét nghiệm nếu anh không có vấn đề gì thì em sẽ giải phóng cho anh, còn nếu chẳng may anh... em sẽ chăm anh đến cùng".

Tôi hiểu em đang giận dỗi tôi. Tôi nhắn lại cho em: "Anh xin lỗi vợ. Với anh đó là một tai nạn, mong em hiểu và tha thứ cho anh".

Em không nhắn lại.

Vài ngày sau tôi không dám gọi điện thoại chỉ nhắn tin cho em: "Em đã tha thứ cho anh chưa?"

Em vẫn im lặng.

Vài ngày nữa tự dưng tôi nhận được tin nhắn: "Anh có muốn em tha thứ cho anh không"?

Tôi nhanh chóng nhắn lại: "Có chứ. Sao em lại hỏi anh thế?"

"Vậy thì anh bỏ thuốc lá đi, em sẽ tha thứ cho anh"

Mặt tôi dài như cái bơm, đã bao lần vợ nhắc tôi bỏ thuốc lá mà tôi vẫn chưa làm được. Lần này có lẽ tôi phải bỏ thật.

Vợ tôi thế đấy lúc nào cũng nhẹ nhàng và hài hước.

Thời gian đó lúc nào em cũng động viên tôi rằng sẽ không có chuyện gì hết. Gần như em trấn an tinh thần tôi, tôi thì buồn hối hận, nuối tiếc vô cùng. Nếu như tôi làm sao, thì vợ con tôi sẽ vô cùng thiệt thòi.

Khoảng thời gian đó chúng tôi tuyệt đối an toàn bên nhau. Em nói những trường hợp bị nhiễm mà phát hiện sớm dùng thuốc và sống lành mạnh thì kéo dài được từ 10 đến 15 năm. Mặc dù biết vợ đang động viên và làm công tác tâm lý nhưng tôi ngầm hiểu em cũng hoang mang như tôi. Rồi bốn tháng trôi qua, tôi thực sự không đủ can đảm đi làm xét nghiệm.

Em gọi điện nhắc tôi về để đi xét nghiệm. Chính em đưa tôi đi, khi ngồi đợi kết quả tôi bồn chồn lo lắng, em thì cứ huyên thuyên kể chuyện. Tôi biết em cũng như tôi nhưng em đang cố bình tĩnh.

Đã đến giờ lấy kết quả, tôi quay lại hỏi em có vào lấy kết quả không?

Vào chứ, anh yên tâm sẽ không có chuyện gì đâu. Đi nào!

Bác sĩ nhìn hai chúng tôi hỏi: - Sao bạn lại làm xét nghiệm?

Vợ tôi luyến thoắng: Chúng em chuẩn bị kết hôn nhưng mà em nghi nghờ anh ấy nên đi xét nghiệm cho chắc.

- Sao bạn không xét nghiệm mà chỉ anh ấy làm?

Em không vấn đề gì, rau sạch 100%. Đã có kết quả chưa chị?

Bác sĩ đưa phiếu xét nghiệm và nói: - Thôi cưới nhau đi, nó cũng "rau sạch 100%".

Cả hai chúng tôi vui mừng cảm ơn bác sĩ rối rít rồi đi về.

Tôi vui vẻ ra mặt, còn vợ tôi thì bảo: "Anh cứ vui đi đến tuần sau em đến uỷ ban phường xin mẫu đơn ly hôn để viết em sẽ giải phóng cho anh". Tôi ghì chặt vợ vào lòng bảo anh không ký đâu. Anh không bao giờ làm em buồn nữa, anh hứa mà.

Vợ tôi đứng lên bảo thế hôm nay đã dùng hàng thật được chưa? Tôi kéo em vào lòng bảo sẽ thật 100%.

Em trề môi: "Bây giờ em dùng hàng giả quen rồi không dùng hàng thật được. Mà anh ơi hôm nay mình cưới nhau thì đêm tân hôn phải dùng hàng thật chứ. Thôi không thích thì đêm tân hôn em cũng cố dùng vậy".

Nhìn ngắm vợ trong giấc ngủ say tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi có được em. Có lẽ mọi may mắn đến với tôi là nhờ sự hiền lành phúc hậu của vợ tôi. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ làm em thất vọng nữa. Vợ tôi đáng giá nghìn vàng.

Nguồn: 24h


Friday, November 27, 2009

Hãy để mưa rơi


Thursday, November 26, 2009

SỐNG đến từng giây phút cuối

Tôi từng được biết về những người trở thành triệu phú từ khi còn rất trẻ, có thể ở vào tuổi 16. Tôi cũng biết về những người trở thành triệu phú khi tuổi đã sáu mươi, hay bảy mươi. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên (sau hơn 26 năm), tôi biết về một người phá sản ở tuổi 72 và rồi can đảm làm lại từ đầu để trở thành triệu phú (một lần nữa) mười năm sau đó ở tuổi… 82. Đừng nói tôi là người của thế hệ trẻ, ngay cả khi tôi ở cùng thế hệ với con người này, tôi cũng sẽ phải ngã nón cúi chào trước ông ta.

Câu chuyện của ông ấy như một liều thuốc truyền cảm hứng mà bạn không thể nào bỏ qua. Toàn bộ câu chuyện, bạn có thể tìm thấy trên tờ báo Sunday Times (31/10/2006) với tiêu đề: “82-year-old comeback kid – Bounces Back From Bankruptcy“.

Ở tuổi 72, ông Lim Tow Yong đã tuyên bố phá sản. “Đứa con” mà ông “nuôi nấng” từ đầu những năm 1960, Emporium Group Holdings mang lại nguồn thu nhập vào khoảng 300 triệu đô hàng năm đã bị “tàn phá” bởi suy thoái kinh tế giữa những năm 1980 và hiện trạng cạnh tranh gay gắt trong xã hội. Không những thế, sự “ra đi” của “đứa con” đầu tiên này đã để lại cho ông khoảng nợ vượt ngưỡng 60 triệu đô.

Đối với thế hệ của ông (những người sinh ra khoảng đầu thế kỷ 20), hầu hết mọi người đều chuẩn bị cho việc ra đi thanh thản hoặc dưỡng sức già vào thời gian này. Phá sản ở tuổi 72, ông đã có một lý do tuyệt vời để sống phần đời còn lại trong sự khánh kiệt, và không một ai có thể trách ông vì điều đó. Tuy nhiên, ông Lim Tow Yong đã không làm như thế! Ông đã đứng dạy bắt đầu lại tất cả không phải từ con số 0, mà là với một khoản nợ khổng lồ. Mười năm sau đó, ông nhượng lại “đứa con” thứ hai của mình với giá 4,2 triệu đô, để một lần nữa trở thành triệu phú ở tuổi… 82! Bạn có thể tin được không?

Khi tôi đọc câu chuyện này, tôi đã tự hứa với bản thân rằng: tôi sẽ không bao giờ viện bất cứ lý do nào để ngừng mơ ước và phấn đấu.

Tôi vẫn nhớ rất rõ, một bài học lớn tôi đã học được khi đọc quyển sách của Steven K. Scott mà tôi đang dịch - “Simple Steps to Impossible Dreams”: Giây phút bạn ngừng mơ ước và thôi không tiếp tục chiến đấu để thực hiện ước mơ của mình, đó cũng có thể coi như là giây phút bạn đã “chết”.

Tôi tin chắc rằng người đàn ông này đã sống một cuộc sống thật sự cho đến những giây phút cuối cùng. Có thể ông ấy không thể để lại một gia sản đồ sộ cho thế hệ sau, nhưng điều ông ấy để lại, đó chính là huyền thoại sống mãi.

Đừng bao giờ bỏ cuộc! Hãy chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Sợ hãi không thể giúp chúng ta thoát khỏi cái chết, nhưng chắc chắn nó sẽ ngăn chúng ta thật sự sống xứng đáng.

Nguồn: Trần Đăng Khoa


Friday, November 13, 2009

Face down


Một bài hát gợi nhiều kỷ niệm


Tuesday, November 10, 2009

Mad world


Monday, November 9, 2009

Tuyển tập truyện ngắn 100 chữ

Vô tâm
Tác giả: Nguyễn Lưu Huỳnh

Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe dì dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà cả hai người đều rất thích.
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì dượng. Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi:
- Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi tôi cũng chẳng biết ba mẹ tôi thích điều gì nhất.

Ước mơ
Tác giả: Tăng Khắc Hiển

Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với “cậu chủ” cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt.
Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi:
- Sao con không đổi làm chủ ấy ?
Đứa trẻ bảo:
- Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người.
Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa

Đi thi
Tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”.

Đổi thay
Tác giả: Cỏ May

Năm nhất:
Cả khu nhà trọ sinh viên chỉ có vài chiếc xe máy. Chị vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn “đồng hội đồng thuyền”.
Năm hai:
Xe máy rẻ, khu nhà trọ có vài người đã không đi xe đạp nữa. Chị vẫn như cũ.
Năm ba:
Chỉ còn hai đứa đi xe đạp. Chị chỉ mỉm cười.
Năm tư:
Chị có xe máy. Nhưng không còn chơi với người bạn “đồng hội đồng thuyền” ngày xưa và ăn bận thật “mốt”. Chị không còn là chị nữa…

Đòn của bố
Tác giả: Vũ Thị Thanh Tâm

Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm đầu bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong, cân cấn. Giận quá, phế cho thằng con mấy roi. Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt, ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. Bố ơi !

Đám tang buồn
Tác giả: Nguyễn Đông Phương

Quê tôi có đội âm công lo nghi thức chôn cất. Trọng tâm nghi thức là bài hát đưa linh, có nhạc lễ phụ họa, với lời lẽ thống thiết bi ai do ông tổng tiền, nhân vật quan trọng nhất của đội âm công, diễn xướng trước linh cửu. Ông Biện suốt đời làm chức tổng tiền hát cho bao nhiêu đám.
Ông Biện qua đời, chưa có người thay thế, đội âm công buộc lòng phải phát trên loa bài hát đưa linh do chính ông hát được ghi âm từ trước. Nghe một người tự đưa tiễn linh hồn mình, mọi người dự tang lễ không khỏi ngậm ngùi.

Đành thôi
Tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…

Xa xứ
Tác giả: Bùi Phương Mai

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: “ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…”
Cuối năm viết: “mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…”
Mùa đông sau viết: “em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…”…..

Viết cho cha
Tác giả: Minh Tú

Con xin tiền đóng học phí học thêm Anh văn. Cha nói để cha tính. Mấy ngày sau cha mới có tiền đưa con.
Một lần trốn học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen: cha của con. Cha chạy xe ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm

Tuổi thơ
Tác giả: Ngọc Chi

Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.
Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để “tụ” trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp…
Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà… Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em

Trước… sau
Tác giả: Mây Xanh

Trước, ở nhà tập thể, căn phòng hẹp tí chỉ đủ kê chiếc gường, cái bàn. Ba chạy xe đạp ôm. Mẹ ở nhà chăm sóc con. Con còn nhỏ hay khóc đòi quà. Ba mẹ vỗ về, con nín. Cả nhà cùng cười.
Sau, ba nghỉ chạy, vào làm trong một xí nghiệp. Mẹ phụ việc cho nhà người bà con. Rồi ba mẹ xây nhà mới khang trang hơn. Cả ba và mẹ đều bị cuốn mình vào công việc. Con lớn không còn khóc vòi vĩnh và thường được ba mẹ mua quà cho. Nhưng cả nhà ít khi cười cùng nhau.

Tiệc sinh nhật
Tác giả: Võ Văn Tồn

(Tặng cháu nội Võ Thị Phương Tú)

Sinh nhật cháu nội tôi. Đủ mặt: ông bà nội, ông bà ngoại, cô, bác, chú, cậu, dì…
Tiệc mừng là một trái dưa hấu, mua rẻ cuối buổi chợ chiều, ở sạp hàng trái cây bán ế.
Căn phòng đầy ắp tiếng cười, tiếng ca… và truyện cổ tích.
Đã quá khuya… Cháu tôi, mắt lim dim, còn gặng hỏi: “Rồi… bà Tiên áo trắng hiện xuống… phải không ngoại?”…
Tôi bế mạc tiệc vui bằng bài thơ của Tế Hanh:
“Khi anh đi xe đạp
Đừng nghĩ đến người đi ô tô
Mà nghĩ đến người đi bộ …”

Tiền cứu trợ
Tác giả: Kim Ngân

Lũ. Ba nhắn lên ” … Nhà ngập, con đừng về! ”
Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.
Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: ” Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! “…

Tiếng Cười
Tác giả: Lê Thị Diệu Hiền

Con đường bấy lâu vắng ngắt nay bỗng nhiên đông nghẹt. Mọi người tụm lại quanh một người đàn ông và hai chú khỉ đang làm trò. Một chú khỉ tồng ngoầng đạp chiếc xích lô quanh vòng tròn người thu hẹp, rồi nhào lộn, chú khỉ khác thì lại kéo chiếc xe bò quanh để xin tiền dưới sự chỉ đạo của cái cây trên trên tay người đàn ông. Ai đó tự dưng ném vào nửa trái bắp luộc, chú khỉ kéo xe bò nhảy xổ đến chụp lấy, ăn ngấu nghiến. Mọi người cười vang trước những động tác ngộ nghĩnh, dễ thương ấy. Người đàn ông bỗng nhảy xổ vào giằng lấy trái bắp. “Khi có thức ăn nó sẽ không nghe lời.” – Người đàn ông thanh minh.

Chú khỉ sau khi bị giật lấy trái bắp thì không còn chịu nghe lời. Người đàn ông lôi xềnh xệch lên một tấm ván, bắt nó nằm xuống rồi quất như mưa lên tấm lưng bé nhỏ, oằn con, đôi mắt nó nhìn người đàn ông long lanh, ngấn nước…! Xung quanh những nụ cười vẫn vang lên, bình thản!?!

Thương ba
Tác giả: Yên Hà

Hồi nhỏ, ba có khiếu văn chương, tập viết thơ theo thời thượng, lắm khi toàn ca tụng người yêu. Nhờ vậy mà ngon ơ “cưa đổ” mẹ. Con gái lớn lên vừa đẹp vừa ngoan. Đậu học sinh giỏi văn, rồi lo thi học kỳ, tốt nghiệp đại học… Cô giáo bắt nộp báo tường, sợ không kịp bài, con gái khóc. Ba tiếp tục thức đêm, thơ đủ cả áo trắng, mây trời mà lòng canh cánh tiền thuốc thang cho mẹ.

Về hưu, hỏi sao không làm thi sĩ, ba chỉ lặng lẽ cười, mắt ưu tư

Mồ côi
Tác giả: Nguyễn Văn Hùng

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng đi xa thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên.

Mẹ xưa
Tác giả: Đỗ Thành Dũng

Cô rời quán lên xe. Phở ngon nhưng cô vẫn ăn không hết nửa.
Xe mới, nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi sao tay chân mẹ run, lại thôi vì cô cũng mỏi và đói.
Giờ đường về không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió. Mẹ cô vừa mất

Mắc cỡ
Tác giả: Nguyễn Thái Sơn
( Thương tặng bé Hoa )

“Vòng loại” . Mỗi lần nắm tay, đâu chừng hai cái chớp mắt, em đã rụt tay về.
“Bán kết” . Sau mỗi lần hôn, em trò chuyện cùng tôi bằng cách quay mặt sang hướng khác, thời gian, có tới hai trăm cái chớp mắt.
“Chung kết” . Có con nhỏ. Mỗi lần con khóc, em vén áo … nhưng bao giờ cũng vậy, cái lưng bé nhỏ của em luôn từ từ quay về phía tôi, bất kể tôi đang làm gì, có đang nhìn em hay không, miễn có tôi lúc ấy, cho dù khăng khít đã hai năm.

Nguồn: Pháp sư

Chiếc giày cũ


Em xuất hiện lần đầu trước tôi như một thiên thần trong cổ tích. Áo hồng, váy hồng, nơ hồng, giày hồng, kính hồng và đôi má hây hây. Giá như gặp em ở một nơi nào khác, chắc chắn tôi sẽ tìm cách làm quen, đằng này, ngồi gần mà như xa vời vợi. Em dự tiệc với tư cách bạn gái của bạn tôi, làm sao tôi dám...

Tôi gặp em hoài nhưng lần nào cũng có hắn bên cạnh khiến tôi muốn nói mà cứ nghẹn lời. Thằng bạn tôi nổi tiếng đào hoa với thành tích từng cưa đổ không biết bao nhiêu tiểu thư danh giá chân dài thì làm sao mà hắn “tha” cho em. Một lần tâm sự, tôi hỏi hắn và em thế nào rồi, hắn cười khỉnh:

- Như mọi khi thôi.

- Là sao?

- Không quá ba ngày.

- Nghĩa là…?

- Tầm thường thôi, không có gì xuất sắc, sắp chán rồi.

Tôi chỉ muốn đấm vào mặt hắn. Giá mà tôi gặp em sớm hơn, chắc chắn tôi đã bảo vệ được cho em. Tôi không muốn gặp mặt cả em lẫn hắn nữa, nhưng sao cả hai cứ tìm dịp để đi chung cả nhóm. Những lần đó, tôi thấy em thật rạng ngời, tươi tắn. Hắn thì tỏ ra quấn quýt, chiều chuộng em dữ lắm chứ không phải như hắn “nổ” với tôi. Lúc nào hắn cũng tỏ ra đã sở hữu em một cách thật lộ liễu. Tôi cứ thế mà quan sát trong sự đau đớn, tiếc nuối một thứ không phải của mình.

Rồi em đến thăm tôi thường xuyên hơn. Lúc đầu là kiếm hắn, sau đó nhờ tôi chuyển vài thứ cho hắn. Dần dần, tôi và em gặp nhau mà chẳng liên quan gì đến hắn nữa. Tôi nhận ra mình rất hợp nhau. Mỗi lần được ở bên em, tôi thấy như thời gian ngừng trôi, lắng đọng từng phút giây hạnh phúc. Cứ như thế có lẽ tôi đã không thể kiềm hãm trái tim mình, mà phản bội tình bạn để có tình yêu. Tình cờ, hắn gặp tôi ở nhà em. Vẫn nụ cười đểu cáng hắn bảo tôi: “Cậu có sở thích sưu tầm giày cũ à?”. Cái cảm giác người mình đang yêu đã từng lên giường với bạn thân mình khiến tim tôi như bị bóp nghẹn. Lý thuyết về chiếc giày cũ giày vò tôi. Làm sao tôi có thể mang một chiếc giày đã bị người khác vứt bỏ. Thế là tôi lãng tránh em, bỏ đi du học mất bốn năm không hề liên lạc gì với cả em lẫn hắn.

Tưởng đâu thời gian sẽ làm tốt nhiệm vụ của nó, giúp tôi xóa được hình bóng em trong trái tim mình. Không ngờ, càng quên càng nhớ thêm. Đôi mắt đó, nụ cười đó… không sao tôi quên được. Gặp ai tôi cũng mường tượng về em. Cái miệng này không tươi bằng em, làn da kia không mịn như em, tính cách cũng không ai so sánh được với em. Rồi do sống chung với bạn bè châu Âu, tôi dần thay đổi quan niệm về tình yêu, hôn nhân. Một chiếc giày cũ thì có sao, miễn nó tốt, êm, vừa khít với bàn chân và nâng đỡ mỗi bước đi của mình đến tận nơi chân trời cuối đất. Thế là tôi quyết định về nước tìm em.

Hóa ra chuyện hoàn toàn khác với suy nghĩ của tôi. Không phải hắn bỏ em mà là em không đáp lại tình yêu của hắn, dù hắn đã đoạn tuyệt với quá khứ để mong có được em. Nhậu lê lết với hắn suốt một đêm, hắn mới thú nhận với tôi, hắn còn chưa cầm được bàn tay em. Sở dĩ ngày xưa hắn nói em đã thuộc về hắn chỉ để lên mặt ta đây với bạn bè. Hắn biết em để ý đến tôi nên tung hỏa mù để tôi rút lui. Không ngờ, dù tôi đã ra đi không một lời từ biệt, em vẫn từ chối hắn. Tôi chưa kịp mừng thì hắn đã vỗ vai tôi xin lỗi, vì em vừa lấy chồng.

Lại một lần nữa tôi muốn đấm vào mặt hắn. Nhưng thôi, tốt hơn là tôi nên tự đấm vào mặt mình. Tôi để vuột mất hạnh phúc chỉ vì cái quan điểm chiếc giày cũ xuẩn ngốc.

Nguồn: Áo 2 dây

Câu chuyện con nhện và phật Quan Âm

Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.

Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”

Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”

Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.

Spider 05 Câu chuyện con nhện và phật Quan Âm

Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”

Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”

Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”

Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?”

Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”

Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”

Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.

Spider 01 Câu chuyện con nhện và phật Quan Âm

Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.

Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.

Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…

Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?

“Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.

Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ.

Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.

Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.

Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.

Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.

Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?

Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.

Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không, ngày xưa, trước miếu Quan Âm…

Nguồn: Áo 2 dây

Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để...

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để cười với tất cả mọi người

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để có những giấc ngủ bất cứ khi nào tôi muốn …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để dễ dàng quên đi chuyện quá khứ ……

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để không bao giờ nghĩ đến chuyện tương lai …….

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để đến với những người tôi yêu mến …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để đem thơ ngây đến tất cả Mọi nơi ….

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để chuyện trò cùng người hàng xóm …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để không mộng mơ những chuyện xa vời …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để hiểu được mọi người và mọi người hiểu mình …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để không làm ai đau đớn khi vô tình làm tổn thương họ…..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để cảm giác cuộc đời thật êm dịu …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để học cách đứng vững trên đôi chân của mình …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để cuộc sống không có nỗi ưu phiền …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để sống hòa đồng không phân biệt …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để có những nụ cười thơ ngây ……

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để được chăm sóc ….

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để khám phá những điều đơn giản nhất …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để tận hưởng những phút giây yên bình …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để luôn có bạn bè bên cạnh …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để sẵn lòng giúp đở kẻ khác …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để những giọt nước mắt Không khuấy động tâm hồn …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để không nắm chặt những nỗi đau …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để mang tình thương đến khắp mọi nơi …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để cảm nhận sự hài hước …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để tự tin …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để cảm thấy thoải mái với người khác ….

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để thích ứng tốt với hoàn cảnh …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để có một tâm hồn tinh khiết …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để giữ được yên bình trong nghịch cảnh …..

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...

Để được vui cùng chúng bạn ….

aohaiday.com - Tôi ước gì mình là một đứa trẻ để ...
Để đem đến niềm vui cho mọi người ……

****
Nguồn: Áo 2 dây


Tình yêu học trò...



Friday, November 6, 2009

Quotes

There is nothing rational about the court of public opinion
Rachel Sylvester
  1. I'm so eager to mate you!
  2. Please execute me for being late.
  3. You look sad today. Do you want to expose yourself to me?
  4. My parents are very supporting. They pay me to study far away from them.
  5. If I study really hard, I'll graduate in 2010 years
Collected by ETF - ThuyTien09


The 10 biggest misconceptions we learn in school

There are some myths which become firmly ensconced in people's minds, even though they are quite definitely wrong. I saw this on my blog recently, when those commenting on a post about nursery rhymes were keen to prove to others that Ring a Ring of Roses was not written about the plague.

These ten are are some of the best - though I'm not sure they can all be blamed on the school system. Thanks very much to Manolith, and a post written by a some-time teacher, Paul Jury, whose list they are. Please let me know if you can think of any more!

(Be sure to check out Paul Jury's blog too, for more humorous lists and witticisms....)

1) Einstein got bad grades in school.

Generations of children have been heartened by the thought that this Nobel Prize winner did badly at school, but they're sadly mistaken. In fact, he did very well at school, especially in science and maths (unsurprisingly). Jury explains this as being down to Americans interpreting Einstein's 4's as D's. Karl Kruszelnicki, however, explains that it was all to do with changes to the system of marking at Einstein's school (back in1896). Either way, the myth is not true, and children do need to work to succeed. Sorry!

2) Mice like cheese

Dear oh dear. While any young child could tell you this, any mice would (if they could speak rather than squeak) explain otherwise. It appears that mice enjoy food rich in sugar, as explained in the Times, as well as peanut butter and breakfast cereals (things, as Paul Jury points out, that are rich in grains and seeds, which they are used to). So a Snickers bar would go down much better than a lump of cheddar.

3) Napoleon was short.

Ah, the aggressive short man (often called, ironically, the Napoleon) complex. Short men love a hero and Napoleon appears to fit the bill. In fact, it appears that a mistranslation explains why some said he was just 5ft 2. He was actually around 5ft 7, completely average for the 18th/19th century.

4) Thomas Edison invented the light bulb.

I don't know how many times I've heard this one and wanted to point out that it's just damn wrong! Edison invented a lot of things - in fact he's one of the most famous inventors of all time - but the light bulb wasn't one of them. What he did was develop a light bulb at the same time as the British man, Joseph Swan, who came up with it originally...

5) Lemmings throw themselves over cliffs to commit suicide

Why do we have such negative opinions of lemmings? The poor old things are sometimes so desperate for food that they do, according to the BBC "jump over high ground into water", but they aren't committing group suicide. Paul Jury blames Disney for showing the lemmings doing this in an early nature film. They've been tarnished ever since.

6) Water flushes differently in different hemispheres

No it doesn't. Sorry!

7) Humans evolved from apes

Darwin didn't actually say this, but he's been misreported ever since. What he did say was that we, and apes, and chimpanzees for that matter, had a common ancestor, once, a long, long time ago.

8) Vikings had horns/helmets with horns.

This may upset an awful lot of people, but it's pure myth. According to the Jorvik Centre, it appears that Vikings may have been buried with their helmets and with drinking horns. When they were dug up by the Victorians, they assumed that the helmets had horns....(I have to say that, until now, I had believed this one!)

9) Columbus believed the earth was flat

He didn't, you know. He may not have known how big the world was, but he wasn't worrying about falling off the edge of it. Read Teaching History on this very issue.

10) Different parts of the tongue detect different tastes

You do have different taste buds on your tongue and some are more sensitive than others. But they aren't divided into perfect, easy-to-teach sections. See BBC Science for more on this...

Source: Times Online


Wednesday, November 4, 2009

Đừng huyền thoại chính mình

Tại buổi bàn tròn trực tuyến “Tương lai Việt Nam – con đường của sự sáng tạo” do Vietnamnet tổ chức, GS Tom Cannon – nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới đến từ Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều nhận xét sắc sảo đến mức kinh ngạc. Người nghe càng suy nghĩ thấu đáo, càng ngộ ra được nhiều điều chí lý, ví dụ như ông nói: “Sẽ rất nguy hiểm cho một quốc gia nếu họ có quá khứ anh hùng”.

Ông không nói đâu xa mà lấy nước Anh của ông ra làm ví dụ, rằng Anh Quốc chiến thắng phát xít Đức trong thế chiến thứ II một cách kiên cường. Nhưng đã 70 năm qua rồi mà nước Anh vẫn sống với quá khứ anh hùng đó, vẫn làm phim, vẫn nói về nó. “Ăn mày dĩ vãng” là những vấn nạn tư duy mà nhiều trí thức tận tâm với vận mệnh dân tộc đã cảnh báo. Nay, GS Tom Cannon nêu sự nguy hiểm của não trạng “ăn mày dĩ vãng” làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn.

Nhật Bản đầu hàng vì bị Mỹ đánh bom nguyên tử trong thế chiến thứ II, họ cúi đầu chịu thất bại nhưng cũng nung nấu để tìm chiến thắng. Toàn dân Nhật Bản luôn tự cho mình là kẻ chiến bại và bằng mọi cách vươn lên trở thành đất nước giàu có bậc nhất nhì thế giới. Chỉ vài chục năm sau chiến tranh, những cơn mưa hàng hóa và xe hơi mang nhãn hiệu Nhật Bản rơi xuống đất Mỹ thay cho bom đạn. Họ đã thực sự là người chiến thắng. Ngày 6.8 hằng năm, người dân Nhật Bản đều hướng về Hiroshima để tưởng nhớ các nạn nhân của bom nguyên tử, và đó cũng là sự nhắc nhở rằng dân tộc mình đã từng một lần thất bại thê thảm. Họ nhớ về thất bại thay vì huênh hoang với chiến thắng. Chính vì thế cho nên họ có một nước Nhật như ngày hôm nay, mang tiền đi cho các nước chậm phát triển vay vốn ODA để vượt qua đói nghèo.

Có quá khứ anh hùng là một vinh quang. Nhưng cứ đem vinh quang đó ra để ca ngợi thì còn thì giờ và sức lực đâu để làm ra vinh quang khác. Thế hệ trẻ được giáo dục là sinh ra trong một thời đại anh hùng, đất nước giàu mạnh. Nhưng đất nước ta đang còn nghèo nàn và lạc hậu; nền kinh tế còn phụ thuộc phải đi vay nợ; nền khoa học chưa có phát minh, chưa có công nghệ mới mà phải bỏ tiền mua lại.

Thế hệ trẻ hôm nay cần phải được giáo dục khác đi, phải thay đổi nhận thức rằng Việt Nam là một trong những nước nghèo, cần sự giúp đỡ từ các nước khác. Hãy bớt ca ngợi về mình mà thay vào đó là kiểm điểm lại mình, hãy bớt huyền thoại về mình để dành thời gian và trí tuệ cho việc dựng xây một huyền thoại Việt Nam trong tương lai.

Lê Thanh Phong

 

boulevard of broken dreams © 2008. Chaotic Soul :: Converted by Randomness