...
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa
...
- Con nhỏ áo trắng gởi thư ba ngày liên tiếp, ông biết tại sao không?
- Chuyện đó làm sao tao biết, mà con nhỏ đó… là con nhỏ nào?
Nghe thằng con trai tả một hồi, ông cũng nhớ ra. Đó là cô bé ốm ốm, đeo kiếng cận. Cô bé thường đi gởi thư. Nhưng nhiều người vẫn đi gởi thư vậy. Bưu điện người ra kẻ vào, có cô xinh như hoa hậu. Cô bé này không phải là hoa hậu. Vậy mà nó chú ý. Một sự chú ý hơi khác thường, đối với một thằng giữ xe. Chú ý đến nỗi con bé vô trong rồi mà mắt nó vẫn mò theo. Nó thấy con nhỏ lấy thư ra, che che như sợ ai nhìn, đọc đi đọc lại, kiểm tra tới lui rồi mới chịu dán lại, bỏ vô thùng. Cẩn thận quá mức. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự nâng niu đó. Bên ngoài có thùng thư, nhưng con nhỏ vẫn vô tận trong (mà vô tận trong thì phải gởi xe), chắc sợ thư bị thất lạc. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự lo lắng đó.
Cô bé gởi thư đến ngày thứ tư liên tiếp. Hai “cha con” sinh tật như đàn bà: “Có chuyện gì?” Vẫn như mọi lần, cô bé đưa lại cái thẻ xe và đưa thêm năm trăm đồng. Cái thẻ thì thằng giữ xe nhận còn năm trăm đồng thì không, lật đật chạy tuốc luốt như thằng ăn cắp. Con nhỏ cầm năm trăm đồng nhìn theo, rồi đi. Chớ hỏng lẽ nhìn theo hoài? Ông dòm nó lom lom, ý hỏi tại sao. Nó thiệt tình: ” Con nhỏ gởi xe bốn ngày, mỗi ngày năm trăm, vậy là mất hai ngàn, tốn tiền quá!” Tốn tiền quá! Nó nói làm như hai ngàn đó chui vô túi ai chứ không phải túi nó. Ông già tâm lý:
- Mày làm tao nghi quá!
Nó cười ngỏn ngoẻn :
- Con nhỏ dễ thương hen! Hình nó nhìn tôi rồi cười với tui phải hông?
Ông già chưng hửng. Con nhỏ có cười hay không thì chỉ có con nhỏ với … cái khẩu trang biết chứ làm sao ông biết. Nhưng nhìn đôi mắt đựng hết ánh nắng buổi sáng của “thằng con trai” , ông cảm giác chữ “không” hoặc “không biết” nhòn nhọn.
Ủa, cái con người cứng ngoẳng, đen đúa, xộc xệch như nó mà cũng biết đến sự lay nhẹ của tình cảm sao? Ông thấy mình có trách nhiệm nương nhẹ cái chờ đợi, hy vọng trong đôi mắt đó, có trách nhiệm vun vén cho cái tình-cảm-năm-trăm-đồng của “thằng con trai” . “Ờ, tao thấy nó cười…cái khẩu trang của nó rung rung…”
Lòng ông chộn rộn vì những tia sáng lao xao trong mắt nó. Nó huýt sáo, nói chuyện ồn ào hơn, hưng phấn hơn. Chỉ vì một nụ cười có thể có mà cũng có thể không, đằng sao cái khẩu trang. Mà có thì sao? Một nụ cười rất thoáng qua. Ông kéo dài thêm niềm hạnh phúc, bây giờ không chỉ là của nó, mà còn là của ông: “Con nhỏ gởi thư liên tục bốn ngày thì có thể đang … tìm bạn bốn phương, mà phải tìm đến bốn phương có nghĩa là chưa có bạn … khà … khà …” Giọng cười của ông cứ như lời đốc thúc :”Vậy mày làm bạn với nó đi!” Thằng giữ xe muốn gởi thư cho con nhỏ. “Mày ghi gì ở trỏng?”
Nó tằng hắng, vuốt vuốt tóc, vuốt vuốt áo rồi đọc một hơi. “Lưng chừng mùa thu đến, lưng chừng lá vàng rơi, lưng chừng …” Ông cười rũ cả người còn nó vừa cười vừa thở. Tác giả mà nghe nó đọc chắc hết dám làm thơ. Mà cũng may, bài chỉ có bốn câu, chứ cỡ tám hay mười sáu câu thì không biết nó ra sao.
Nhưng cuối cùng nó không gởi thư, mà mua sách. Không ngờ nó chuyển quá lẹ từ “mối tình” năm trăm đồng sang “mối tình” mấy chục ngàn. Ông là dân buôn bán, cái gì cũng quy ra tiền, riết thành quen. Thằng giữ xe có lần ấn vào suy nghĩ của ông một câu hỏi:
- Tại sao con nhỏ áo trắng đeo kiếng?
- À … tại vì … tại vì nó ham đọc sách, nó là “con mọt sách”.
Kết quả của câu trả lời đó là hai quyển sách mới cáu. Như vậy là quá sang, sang không chịu nỗi, đối với một thằng giữ xe. Ông tiếc hùi hụi: “Sao lúc đó không nói con nhỏ là “mọt báo”? Thế nào nó cũng mua báo cho mình!” Thằng giữ xe ưu tiên chọn hai quyển sách này vì chúng nhỏ và mỏng, nhỏ và mỏng thì chắc ít tiền. Ông mượn nó một quyển.
Tự nhiên ngừng lại thật lâu trước câu: “Những đám mây bay ngang rồi bay qua”. Không biết những đám mây có giống tuổi trẻ của ông không? Bay ngang rồi bay qua … Còn nó thì mò mẫm đọc. Những con chữ đối với nó vốn là người quen, nhưng đi xa lâu quá rồi không gặp lại, giờ trở thành là lạ, bở ngỡ. Những con người, cuộc sống mà nó gặp trong sách còn lạ hơn nữa, lạ vì khác nó quá, những con người “mới lớn” với cuộc sống “mới lớn”.
Nhưng mà nó thấy hay hay, thích thích. Hình như họ rất đẹp và sạch sẽ? Nó rụt rè hỏi ông: “Tui có mới lớn hông?” Không hiểu thật ra ý nó muốn hỏi cái gì nhưng ông đáp: “Mày khác, tụi nó khác. Nhưng tụi nó mới lớn thì mày cũng mới lớn vậy!”
Ông thấy lòng xon xót.
Tuổi mới lớn của nó không phải là sân trường với những tán cây, mà tưởng như nằm nhủ dưới gốc cây sẽ có được những giấc mơ mát lành.
Tuổi mới lớn của nó cũng không có những cái hộc bàn để chơi trò kết bạn.
Mà là xó chợ đầu đường với nắng chói mưa giăng.
Tuổi mới lớn của những đứa như nó không phải là những suy nghĩ trong veo, hiền lành. Mà thường là những suy nghĩ khốn khổ và khốn nạn.
Cái khốn nạn làm cho cái khốn khổ cũng trở nên đáng ghét. Chắc gì nó đã hiểu ý ông nhưng mà nó cười, rồi mơ màng nhớ về những ngày nó còn được mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ.
Nó bồn chồn chờ con nhỏ áo trắng. Ông già cũng nhớ cô bé nhưng mà nhớ khác với nó. Ông nhớ cái mắt kiếng dày cộm của cô bé và nghĩ đến “thằng con trai” ông đọc chữ như bị hóc xương. Ông nhớ cái áo cô bé trắng tinh, sạch sẽ và nghĩ đến cái áo không hẳn trắng, không hẳn vàng, không hẳn nâu và có phần bẩn thỉu của nó. Ông căn dặn mình nếu nó lại hỏi rằng con nhỏ có cười với nó không, dứt khoát ông sẽ trả lời là không. Thậm chí ông còn định nói có thể con nhỏ gởi thư cho một “người thân đặc biệt”, gởi liên tục và đọc đi đọc lại thì có thể như vậy lắm chứ.
Cô bé lại gởi thư sau nhiều ngày không gởi, không hiểu cái người nhận thư mừng bằng “thằng con trai” của ông khi nhìn thấy con nhỏ cầm thư chạy vô bưu điện không. Lúc về, con nhỏ dúi cả cái thẻ xe và năm trăm đồng vào tay nó. Nó không muốn lấy nhưng không dám đẩy lại. Con nhỏ đứng chưa tới vai nó, vậy mà nó sợ. Thấy quyển sách tinh tươm nằm rất miễn cưỡng trong bàn tay thô tháp, cô bé lại ngước mắt nhìn, cái nhìn làm cho nó lúng túng. Cô bé vừa khuất, nó đã thỏ thọt như đòi quà:
- Hình con nhỏ cười với tui phải hông?
- Ờ … phải … tao thấy cái khẩu trang của nó rung rung …
Nhưng chữ “không” hoặc “không biết” vẫn như có gai, có thể sẽ làm ông đau khi nói. Cái đôi mắt mở to với hàng lông mi giương lên chờ đợi đó rất cần được gượng sẽ. Ông không nỡ lòng. Ông thấy mình như một người mẹ quá chìu con.
Mấy chục ngàn cho một nụ có thể có mà cũng có thể không, đằng sau cái khẩu trang. Mấy chục ngàn chắt chiu từ những giọt mồ hôi và sự tằn tiện. Ông cảm giác như nó tọp người đi. Tổng các câu chuyện mà ông đã đọc, những cô gái thường xuất hiện để gieo vào lòng những chàng trai bao nhiêu là cảm xúc, rồi bất ngờ biến mất, vì nhiều lý do.
Vái trời? ông cũng gặp một sự “bất ngờ” như vậy.
Rồi tất cả như một đám mây bay ngang rồi bay qua …
Sự bất ngờ thấy vậy mà thành sự thật. Không thấy con nhỏ áo trắng tới bưu điện nữa. Ông trời nghe lời khẩn của ông? Những tiếng huýt sáo của thằng giữ xe không ra âm hiệu gì, nhưng những bước chân rảo nát cả khoảng trống nhỏ hẹp giữa hàng chục chiếc xe bày ngang dọc. Ngày nào ông cũng chờ. Cái bóng áo trắng nào thoáng qua cũng hút lấy ánh mắt ông.
Ngày qua … ngày qua …
“Thằng con trai” của ông trở lại với những câu chuyện phố xá ồn ào và những tiếng huýt sáo líu lo dồn dập. Còn ông thì lại nhớ chiếc áo của cô bé mỗi lần nhìn cái áo dơ bẩn của nó.
Cô bé không đẹp, cái áo cũng không đẹp. Nhưng nó trắng sao là trắng! Sạch sao là sạch! Đối với “thằng con ông” , nó như một áng mây.
Ông se lòng, cái se lòng rất đàn bà.
Lắm lúc ông nghĩ sao không để dòng đời bình lặng trôi, nhẹ nhàng trôi, cứ day dứt lại làm gì? Những đám mây bay ngang rồi bay qua. Thôi thì những chuyện như vầy “bay ngang”, xin cũng “bay qua” giùm một cái.
Phương Trinh
0 comments:
Post a Comment