Thursday, February 23, 2012
Saturday, February 11, 2012
Vai kép
Anh một mình thức ngủ cũng cô đơn..."
Yêu Nhau Là Thương Nhớ Thế Này Sao - Nguyễn Sĩ Đại
Anh Hà hay rủ tôi lên xe máy đi lòng vòng. Có lúc hứng chí chúng tôi lên tận Bắc Ninh, tận Sơn Tây, chả thăm ai, chả vào đình vào chùa nào, chỉ ngồi quán uống mấy chén rượu suông rồi về. Anh Hà uống không say nhưng hay nói. Chuyện anh Hà hay nói nhất là chuyện đàn bà, những người đàn bà “đã có với tao một cuộc tình. A hà hà”. Họ làm đủ nghề: bác sĩ, kỹ sư, công nhân, họa sĩ, bán quán, sinh viên… Người xinh kẻ xấu, người đoan trang kẻ mạnh bạo… Qua hàng chục cuộc đi, hàng chục cuộc rượu như thế, tôi chỉ thấy họ lờ mờ qua màn sương, người nọ lẫn vào người kia, cặp mắt buồn bã trống rỗng mặc dù anh Hà kể chuyện rất có duyên. Có lẽ tôi chưa hiểu gì về đàn bà cả mặc dù đã có hẳn một mối tình mấy năm sinh viên, và chính sự ngây ngô của tôi đã kích thích anh Hà kể chuyện.
Một buổi chiều mưa phùn gió bấc, anh Hà dẫn tôi đến một xóm ngoại thành ven sông. Chúng tôi ngồi thu lu trong một cái quán sát cầu. Cảnh vật buồn không thể tả được. Lần đầu tiên tôi uống đến chén rượu thứ ba. Con sông nước đỏ ngầu rũ rượi. Tôi kể chuyện tình sinh viên của tôi. Anh Hà nghe chăm chú, nhắp rượu liên tục. Kể xong, tôi buồn thấm thía, lần đầu tiên tôi buồn vì chuyện này đến vậy. Anh Hà đã trở lại vẻ mặt thản nhiên thường lệ, hỏi:
- Hôm đám cưới nó, nó nhìn mày kiểu gì?
Hôm ấy, nàng nhìn tôi kiểu gì? Ai oán bi lụy? Vui tươi nồng ấm? Hả hê khinh bỉ? Không, nàng nhìn lướt qua đầu tôi, có vẻ lo lắng đăm chiêu. Anh Hà cười nhạt:
- Tất nhiên. Mày dại rồi. Loại mày làm sao đủ bản lĩnh đi dự đám cưới người tình cũ. Người ta chỉ làm như vậy trong hai trường hợp. Một là uống để cho mụ đi, rồi giắt con dao phay hoặc một nửa hòn gạch vào người. Hai là ăn mặc lịch thiệp, cho mấy chục nghìn đồng vào cái phong bì, đề chữ thật trang nhã ở ngoài: Chân thành chúc mừng hạnh phúc của hai bạn, viết tên chúng nó, ký tên ta vào.
Tôi đần độn trong bộ quần áo mặc từ thời sinh viên, đần độn góp tiền để mua một cái chậu to tướng và một cái xoong quấy bột trẻ con (”Quà mừng của tập thể bạn trai cùng lớp”), đần độn chạy lăng xăng kê dọn bàn ghế.
Đêm hôm đó, tôi đần độn ngồi nhìn ngọn lửa ngốn dần những lá thư, những bưu thiếp, những khăn tay, những cuốn sổ chép đầy thơ và danh ngôn tình yêu.
Một luồng gió từ sông hắt lên lạnh buốt. Trời đã tối sập xuống. Anh Hà xoay mình sang bà chủ quán nãy giờ vẫn gà gật cạnh bóng chiều đông thê thảm hắt qua cái mành mành:
- Nhà cô Hạnh ở đâu hả bà?
- Hạnh nào? - bà già bỗng tỉnh như sáo - Hạnh con ông lang, Hạnh con bà bí thư, Hạnh thọt, Hạnh đi tây về… Xóm này nhiều Hạnh vứt không hết.
- Hạnh cô giáo, lấy chồng về ở đây.
- A, cô giáo, mặt lúc nào cũng rầu rầu chứ gì. Đi men bức tường dài, đến cái ao nhìn sang trái thấy cái nhà nào hai tầng là nhà nó. Gớm kín tiếng thế, đến đây nhẵn mặt nay mới hở ra một câu.
- Bà cho hỏi chồng cô ấy có nhà không ạ?
- Biết được. Này con trai ơi, trâu ta ăn cỏ đồng ta, rét thế này về ôm vợ có sướng hơn không - Bà già cười, trẻ ra đến hai chục tuổi. Anh Hà ngửa cổ lên trời, ngâm:
- Trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người chứ. A hà hà. Bà cho con gửi cái xe. Nào, lên đường.
Chúng tôi bì bõm trong con ngõ tối. Anh Hà hể hả giảng giải:
- Các bà già lõi lắm. Úp úp mở mở là dại. Cứ nói toẹt ra, thế là trí tưởng tượng của các bà không bị kích động nữa, họ sẽ mất khả năng đưa chuyện. Hơn nữa, khi không được trí tưởng tượng chắp cánh, họ sẽ bị bối rối. Rút cục chuyện thật tưởng đùa. Đó chính là “nói thật như giả”, bi kịch của trung thần nghĩa sĩ đấy. Ngoài đòn ấy còn có đòn “nói giả như thật”…
Tôi vô ý giẫm bẹp vào vũng nước, nước bẩn tóe lên làm ngắt mạch nói của anh Hà:
- Chị Hạnh này là… người quen của anh?
- Mối tình đầu của tao đấy. À, tao chưa kể chuyện về nó nhỉ. Nhưng cũng chẳng có gì, y như chuyện của mày thôi.
Hết đoạn đường tối, chúng tôi đứng sững lại. Ánh đèn vàng vọt hắt vào mặt anh Hà, trông anh nham hiểm đồng thời tuyệt vọng đến ghê người. Tôi run bắn:
- Thôi về đi anh.
- Cái gì? Mày trông có phải cái nhà kia không, có đèn đúng không. Xông vào. Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con chứ. Tao sẽ cho mày xem.
Anh Hà định bắt cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi đứng trước một cái cửa dẫn vào một cái hang ấm áp và sáng sủa, tôi hình dung thế. Anh Hà thận trọng gõ cửa, cửa mở ngay như chỉ chờ có thế. Ánh sáng và hơi ấm tràn ra cùng với một khuôn mặt đờ ra trắng nhợt:
- Anh… anh… (lặng phắt hai giây). Vào nhà đi… hai anh em.
Chúng tôi ngồi thụt vào bộ sa lông đắt tiền. Chị Hạnh lập cập lấy ấm chén đi rửa. Choang, một cái chén rời khỏi khay rơi xuống vỡ tan tành.
- Em đoảng quá.
- Đổ vỡ là điềm lành. Mà thôi đừng pha nước, khách sáo lắm.
Nhà chị Hạnh đầy đủ tiện nghi. Tôi chỉ không thích phiên bản của bức tranh nổi tiếng Thiếu nữ và hoa huệ trên tường bởi vẻ mặt lãnh cảm của thiếu nữ. Chị Hạnh mở nhạc vừa độ. Tôi lùi ra góc với tờ báo che lấp mặt. Trong không gian riêng ước lệ được tạo nên bởi những giới hạn thực - ảo ấy, tôi vẫn nghe văng vẳng từng đoạn câu chuyện của anh Hà và chị Hạnh.
Em, giờ này em đang làm gì. Nấu cơm? Ăn cơm với chồng? Rửa bát? Xem ti vi? Người ta bảo những ngày mưa gió thế này, vợ chồng thường thích đi ngủ sớm. Chồng em, người đàn ông có đôi mắt lợn luộc, sẽ viên mãn ngả người xỉa răng, trong khi em lăng xăng trải đệm mắc màn. Và sau đó, đèn tắt phụt …
- Anh uống rượu phải không, em nghe chúng nó bảo độ này anh hay uống rượu?
- Ừ. Sau ngày em bỏ anh đi lấy chồng, anh uống cho say, cho quên. Còn bây giờ anh uống cho tỉnh, cho nhớ.
- Em vẫn thường dạy học trò rượu chè là xấu. Nhưng hình như khi uống rượu, bản tính đàn ông mới thật sự bộc lộ.
- Chồng em có uống rượu không?
- Không bao giờ.
- Thế mà trong ngăn tủ kia rất nhiều rượu, toàn loại đắt tiền.
- Để trang trí thôi. Anh uống không?
- Có chứ.
Tin trên báo: “Ngày… trong một căn hộ ở… người ta phát hiện thấy hai xác người. Anh X. bị đâm nhiều nhát dao. Chị Y. treo cổ trên móc treo quạt trần giữa nhà. Căn cứ vào hiện trường và tử thi có thể thấy: Anh X. bị chị Y. bất ngờ đâm chết, sau đó chị Y. tự tử. Được biết anh X. và chị Y. yêu nhau nhưng gia đình chị Y. kiên quyết bắt chị Y. cắt đứt quan hệ. Chị Y. tuyên bố nếu hai người không lấy được nhau thì sẽ cùng chết”.
Nàng chia tay tôi chẳng vì gia đình, bạn bè hay đoàn thể chính quyền nào ngăn trở. Đó là điều phi lý đến đau lòng, đau hơn đôi tình nhân X. - Romeo và Y.- Juliete kia nhiều.
- Dạo này anh làm ăn có được không?
- Không nên nói chuyện làm ăn em ạ.
- Vâng, ý em muốn hỏi về công việc của anh. Em trông anh hơi gầy.
- Công việc nhiều lắm. Đoàn anh đang dựng vở Bi kịch của đại bàng. Vở này sẽ đi lưu diễn ở châu Âu và Mỹ.
- Ồ, anh sướng thật đấy. Thế anh đóng vai gì?
- Vở này rất hiện đại. Anh đóng một lúc cả Thạch Sanh lẫn Lý Thông!
- Em mừng cho anh. Người đàn ông phải thành đạt anh ạ.
- Đúng thế, anh đã hiểu vì sao ngày trước em đột ngột bỏ anh.
- Thôi, anh đừng nhắc lại chuyện cũ.
Thư của nàng: “…Người con gái nào mà chẳng ước ao một mái nhà ấm áp. Và người đàn bà trong em đòi phải được như vậy… Chúng ta hãy chia tay nhau và em mong muốn anh là người bạn tốt của em…”.
Tôi đi đầu đám rước dâu. “Dừng lại để tao đốt. Đến đầu ngõ nhà giai rồi”. Một thằng bạn cầm mảnh báo to lửa cháy đùng đùng gí vào dây pháo. Tôi giơ cao thanh tre một đầu có băng pháo đang giẫy giụa nổ, tay kia ôm mặt mắt nhắm nghiền. Khi tôi mở được mắt thì đám rước đã vào nhà. Quần áo và mặt mũi tôi bê bết bùn thối vì những quả pháo nổ trong cái cống trước ngõ…
- Vợ anh độ này hay lên ti vi ghê. Chị ấy trẻ và xinh ra nhiều.
- Nó đi mỹ viện. Nó son phấn đấy. Nhưng sao em biết?
- Sao em lại không biết, mặc dù anh cưới chẳng thèm mời em.
- Vui cái gì mà mời hả em. À, mà vợ chồng anh đã ly dị rồi.
- Thế à. Em xin lỗi nhé, nhưng vì sao hả anh?
- Đấy là bi kịch của sự thành đạt em ạ. Vợ anh đã trở thành người đàn bà thành đạt. Người đàn bà thành đạt không cần người đàn ông thành đạt.
- Chẳng phải thế đâu anh ạ. Người đàn bà cần tình yêu.
- Nhưng anh đã yêu em nhiều bao nhiêu…
- Thôi đừng nhắc đến chuyện cũ nữa anh ạ…
- Nói chuyện hiện tại nhé. Anh đã dứt bỏ tất cả. Hạnh, anh yêu em. Chúng ta hãy làm lại từ đầu.
Im lặng. Tôi cố gắng thở đều và giữ im để tờ báo không rung…
- Sao bây giờ anh bạo thế. Ngày xưa, anh dát lắm, dát đến mức em thường bắt nạt anh.
- Đừng nhắc đến chuyện cũ em ạ.
Tin trên báo: “Đội đặc nhiệm công an thành phố lập chiến công: bắt sống tên H. tức H. sẹo, H. mã tấu. Sau khi dùng dao chém chết anh Z., chỉ vì y cho rằng anh đã nhìn đểu xúc phạm danh dự của y (?), H. đã trốn tại nhà của người yêu cũ tại xã… huyện… tỉnh… Rồi đây, cô gái người yêu cũ của H. cũng sẽ phải ra trước pháp luật về hành vi cố ý chứa chấp kẻ phạm tội có lệnh truy nã”.
Cô gái ấy làm nghề gì? Chăn tằm dệt lụa? Làm ruộng? Gái làm tiền? Một kẻ có tiền án? Cô ta chưa chồng? Vẫn đang có chồng? Đã bỏ chồng? Báo không nói rõ nhưng chắc đó là một người đàn bà có đôi mắt rực cháy. Tên tội phạm mà số phận dành sẵn một cái cọc ở trường bắn kia chắc chắn đã được hưởng hạnh phúc với người đàn bà ấy.
Nếu tôi bị săn đuổi thì nàng có chứa chấp tôi không? Chắc chắn không.
Con người có lòng tự trọng điên rồ kia không bao giờ bị người đàn bà yêu mình chơi đểu. Còn nàng…
- Thôi, có lẽ bọn anh về đây.
- Đừng… anh chưa uống hết ly rượu mà.
- Anh uống hết ly này anh sẽ say. Chồng em về, anh sẽ không kìm được, anh sẽ đánh hắn.
- Anh đùa không đạt rồi. Tốt nhất là đánh em, em đáng bị như thế.
- Anh rất muốn gặp em nữa, nhưng không phải ở cái nhà này.
- Đừng anh ạ… À mà thứ năm em nghỉ đấy, cứ thứ năm hàng tuần là em được nghỉ.
- Anh đến trường đón em nhé. Thứ năm, em cứ đến trường…
- Không được đâu anh ạ. Đừng…
Có tiếng đập vào cửa, tiếng đập cửa đầy tự tin, tiếng đập cửa của người làm chủ. Chủ cái hang ấm áp và đầy ánh sáng đã về.
Tôi bỏ tờ báo xuống. Chị Hạnh lập cập ra mở cửa. Anh Hà quay sang nhìn tôi, trong một thoáng, nét nham hiểm và tuyệt vọng lại hiện lên nhưng lần này tôi không còn thấy sợ nữa.
Chồng chị Hạnh bước vào. Kìa, đôi mắt lợn luộc và khuôn mặt trì độn, viên mãn. Tôi ơ lên một tiếng. Anh Hà quay nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi chớp mắt. Không phải, chỉ rất giống chồng nàng thôi.
- Cơm có rồi chứ? À vâng, chào các anh.
- Chào bác. Công việc độ này vất vả quá nhỉ? - anh Hà đon đả.
- Vâng. Cái trời mưa chó má này, công trình cứ nát bươm cả ra, tiền thì không thu được. Làm ăn năm nay như cứt. À, mà anh là…?
- Đây là anh Hà, bạn em. Đây là chú em anh Hà.
- À thế à… Hai anh em ở đây chơi ăn cơm với vợ chồng tôi. Ngoài kia mưa gió lắm.
- Thôi, cảm ơn bác. Bọn này quen gió mưa rồi. Về chứ chú. Chào Hạnh nhé, cố gắng mà hạnh phúc. A hà hà.
Anh Hà cười sảng khoái, đứng dậy đi đĩnh đạc như con công ra cửa.
Cánh cửa khép lại, hất chúng tôi vào bóng đêm. Mưa phùn rất dày và cái lạnh như khoan vào mặt. Chúng tôi mới dò dẫm được mươi bước thì đằng sau đưa đến một loạt âm thanh. Đầu tiên là một tiếng “bốp” khô khan đùng đục. Anh Hà nói rít trong răng nhưng vô cảm: “Xong chai rượu”. Một tiếng “xoảng” kéo dài - “Xong cơm dẻo canh ngọt”. Tôi quay phắt lại nhưng anh Hà còn nhanh hơn, một tay anh tóm chặt cánh tay tôi kéo giật lại, tay kia vươn ra bịt chặt miệng tôi. Tôi quẫy đến tê dại cánh tay nhưng không thoát được. Anh Hà ghé sát tai tôi: “Đồ ngu. Mày làm vỡ chuyện bây giờ”. Giọng anh Hà lạnh lẽo và buồn thảm khiến tôi tỉnh lại. Hai chúng tôi đứng thõng tay nhìn trân trân vào mặt nhau mấy giây. Anh Hà bảo: “Rút quân”.
Bà già vẫn ngồi thu lu nhìn vào bóng mưa nhập nhòa. Chúng tôi lướt thướt chui vào quán.
- Vâng, bà cho con xin cái xe.
- Này. Vũ phu giữ vợ, lẳng lơ giữ chồng. Cập kênh mà vững như đồng, con ơi. Trai tài gái sắc xưa nay chỉ vờn nhau mà có ăn được nhau bao giờ.
- Vâng, bà dạy chí phải. Ăn được nhau rồi thì hết cả thú. Bà cho con gửi tiền này.
Mưa đầy mặt khiến chúng tôi cứ phải vuốt liên tục. Anh Hà vừa phóng xe vừa khạc nhổ luôn mồm. Con đường sáng dần khi vào đến nội thành.
Lê Anh Hoài
Sunday, February 5, 2012
Mây bay ngang rồi bay qua
...
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa
...
- Con nhỏ áo trắng gởi thư ba ngày liên tiếp, ông biết tại sao không?
- Chuyện đó làm sao tao biết, mà con nhỏ đó… là con nhỏ nào?
Nghe thằng con trai tả một hồi, ông cũng nhớ ra. Đó là cô bé ốm ốm, đeo kiếng cận. Cô bé thường đi gởi thư. Nhưng nhiều người vẫn đi gởi thư vậy. Bưu điện người ra kẻ vào, có cô xinh như hoa hậu. Cô bé này không phải là hoa hậu. Vậy mà nó chú ý. Một sự chú ý hơi khác thường, đối với một thằng giữ xe. Chú ý đến nỗi con bé vô trong rồi mà mắt nó vẫn mò theo. Nó thấy con nhỏ lấy thư ra, che che như sợ ai nhìn, đọc đi đọc lại, kiểm tra tới lui rồi mới chịu dán lại, bỏ vô thùng. Cẩn thận quá mức. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự nâng niu đó. Bên ngoài có thùng thư, nhưng con nhỏ vẫn vô tận trong (mà vô tận trong thì phải gởi xe), chắc sợ thư bị thất lạc. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự lo lắng đó.
Cô bé gởi thư đến ngày thứ tư liên tiếp. Hai “cha con” sinh tật như đàn bà: “Có chuyện gì?” Vẫn như mọi lần, cô bé đưa lại cái thẻ xe và đưa thêm năm trăm đồng. Cái thẻ thì thằng giữ xe nhận còn năm trăm đồng thì không, lật đật chạy tuốc luốt như thằng ăn cắp. Con nhỏ cầm năm trăm đồng nhìn theo, rồi đi. Chớ hỏng lẽ nhìn theo hoài? Ông dòm nó lom lom, ý hỏi tại sao. Nó thiệt tình: ” Con nhỏ gởi xe bốn ngày, mỗi ngày năm trăm, vậy là mất hai ngàn, tốn tiền quá!” Tốn tiền quá! Nó nói làm như hai ngàn đó chui vô túi ai chứ không phải túi nó. Ông già tâm lý:
- Mày làm tao nghi quá!
Nó cười ngỏn ngoẻn :
- Con nhỏ dễ thương hen! Hình nó nhìn tôi rồi cười với tui phải hông?
Ông già chưng hửng. Con nhỏ có cười hay không thì chỉ có con nhỏ với … cái khẩu trang biết chứ làm sao ông biết. Nhưng nhìn đôi mắt đựng hết ánh nắng buổi sáng của “thằng con trai” , ông cảm giác chữ “không” hoặc “không biết” nhòn nhọn.
Ủa, cái con người cứng ngoẳng, đen đúa, xộc xệch như nó mà cũng biết đến sự lay nhẹ của tình cảm sao? Ông thấy mình có trách nhiệm nương nhẹ cái chờ đợi, hy vọng trong đôi mắt đó, có trách nhiệm vun vén cho cái tình-cảm-năm-trăm-đồng của “thằng con trai” . “Ờ, tao thấy nó cười…cái khẩu trang của nó rung rung…”
Lòng ông chộn rộn vì những tia sáng lao xao trong mắt nó. Nó huýt sáo, nói chuyện ồn ào hơn, hưng phấn hơn. Chỉ vì một nụ cười có thể có mà cũng có thể không, đằng sao cái khẩu trang. Mà có thì sao? Một nụ cười rất thoáng qua. Ông kéo dài thêm niềm hạnh phúc, bây giờ không chỉ là của nó, mà còn là của ông: “Con nhỏ gởi thư liên tục bốn ngày thì có thể đang … tìm bạn bốn phương, mà phải tìm đến bốn phương có nghĩa là chưa có bạn … khà … khà …” Giọng cười của ông cứ như lời đốc thúc :”Vậy mày làm bạn với nó đi!” Thằng giữ xe muốn gởi thư cho con nhỏ. “Mày ghi gì ở trỏng?”
Nó tằng hắng, vuốt vuốt tóc, vuốt vuốt áo rồi đọc một hơi. “Lưng chừng mùa thu đến, lưng chừng lá vàng rơi, lưng chừng …” Ông cười rũ cả người còn nó vừa cười vừa thở. Tác giả mà nghe nó đọc chắc hết dám làm thơ. Mà cũng may, bài chỉ có bốn câu, chứ cỡ tám hay mười sáu câu thì không biết nó ra sao.
Nhưng cuối cùng nó không gởi thư, mà mua sách. Không ngờ nó chuyển quá lẹ từ “mối tình” năm trăm đồng sang “mối tình” mấy chục ngàn. Ông là dân buôn bán, cái gì cũng quy ra tiền, riết thành quen. Thằng giữ xe có lần ấn vào suy nghĩ của ông một câu hỏi:
- Tại sao con nhỏ áo trắng đeo kiếng?
- À … tại vì … tại vì nó ham đọc sách, nó là “con mọt sách”.
Kết quả của câu trả lời đó là hai quyển sách mới cáu. Như vậy là quá sang, sang không chịu nỗi, đối với một thằng giữ xe. Ông tiếc hùi hụi: “Sao lúc đó không nói con nhỏ là “mọt báo”? Thế nào nó cũng mua báo cho mình!” Thằng giữ xe ưu tiên chọn hai quyển sách này vì chúng nhỏ và mỏng, nhỏ và mỏng thì chắc ít tiền. Ông mượn nó một quyển.
Tự nhiên ngừng lại thật lâu trước câu: “Những đám mây bay ngang rồi bay qua”. Không biết những đám mây có giống tuổi trẻ của ông không? Bay ngang rồi bay qua … Còn nó thì mò mẫm đọc. Những con chữ đối với nó vốn là người quen, nhưng đi xa lâu quá rồi không gặp lại, giờ trở thành là lạ, bở ngỡ. Những con người, cuộc sống mà nó gặp trong sách còn lạ hơn nữa, lạ vì khác nó quá, những con người “mới lớn” với cuộc sống “mới lớn”.
Nhưng mà nó thấy hay hay, thích thích. Hình như họ rất đẹp và sạch sẽ? Nó rụt rè hỏi ông: “Tui có mới lớn hông?” Không hiểu thật ra ý nó muốn hỏi cái gì nhưng ông đáp: “Mày khác, tụi nó khác. Nhưng tụi nó mới lớn thì mày cũng mới lớn vậy!”
Ông thấy lòng xon xót.
Tuổi mới lớn của nó không phải là sân trường với những tán cây, mà tưởng như nằm nhủ dưới gốc cây sẽ có được những giấc mơ mát lành.
Tuổi mới lớn của nó cũng không có những cái hộc bàn để chơi trò kết bạn.
Mà là xó chợ đầu đường với nắng chói mưa giăng.
Tuổi mới lớn của những đứa như nó không phải là những suy nghĩ trong veo, hiền lành. Mà thường là những suy nghĩ khốn khổ và khốn nạn.
Cái khốn nạn làm cho cái khốn khổ cũng trở nên đáng ghét. Chắc gì nó đã hiểu ý ông nhưng mà nó cười, rồi mơ màng nhớ về những ngày nó còn được mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ.
Nó bồn chồn chờ con nhỏ áo trắng. Ông già cũng nhớ cô bé nhưng mà nhớ khác với nó. Ông nhớ cái mắt kiếng dày cộm của cô bé và nghĩ đến “thằng con trai” ông đọc chữ như bị hóc xương. Ông nhớ cái áo cô bé trắng tinh, sạch sẽ và nghĩ đến cái áo không hẳn trắng, không hẳn vàng, không hẳn nâu và có phần bẩn thỉu của nó. Ông căn dặn mình nếu nó lại hỏi rằng con nhỏ có cười với nó không, dứt khoát ông sẽ trả lời là không. Thậm chí ông còn định nói có thể con nhỏ gởi thư cho một “người thân đặc biệt”, gởi liên tục và đọc đi đọc lại thì có thể như vậy lắm chứ.
Cô bé lại gởi thư sau nhiều ngày không gởi, không hiểu cái người nhận thư mừng bằng “thằng con trai” của ông khi nhìn thấy con nhỏ cầm thư chạy vô bưu điện không. Lúc về, con nhỏ dúi cả cái thẻ xe và năm trăm đồng vào tay nó. Nó không muốn lấy nhưng không dám đẩy lại. Con nhỏ đứng chưa tới vai nó, vậy mà nó sợ. Thấy quyển sách tinh tươm nằm rất miễn cưỡng trong bàn tay thô tháp, cô bé lại ngước mắt nhìn, cái nhìn làm cho nó lúng túng. Cô bé vừa khuất, nó đã thỏ thọt như đòi quà:
- Hình con nhỏ cười với tui phải hông?
- Ờ … phải … tao thấy cái khẩu trang của nó rung rung …
Nhưng chữ “không” hoặc “không biết” vẫn như có gai, có thể sẽ làm ông đau khi nói. Cái đôi mắt mở to với hàng lông mi giương lên chờ đợi đó rất cần được gượng sẽ. Ông không nỡ lòng. Ông thấy mình như một người mẹ quá chìu con.
Mấy chục ngàn cho một nụ có thể có mà cũng có thể không, đằng sau cái khẩu trang. Mấy chục ngàn chắt chiu từ những giọt mồ hôi và sự tằn tiện. Ông cảm giác như nó tọp người đi. Tổng các câu chuyện mà ông đã đọc, những cô gái thường xuất hiện để gieo vào lòng những chàng trai bao nhiêu là cảm xúc, rồi bất ngờ biến mất, vì nhiều lý do.
Vái trời? ông cũng gặp một sự “bất ngờ” như vậy.
Rồi tất cả như một đám mây bay ngang rồi bay qua …
Sự bất ngờ thấy vậy mà thành sự thật. Không thấy con nhỏ áo trắng tới bưu điện nữa. Ông trời nghe lời khẩn của ông? Những tiếng huýt sáo của thằng giữ xe không ra âm hiệu gì, nhưng những bước chân rảo nát cả khoảng trống nhỏ hẹp giữa hàng chục chiếc xe bày ngang dọc. Ngày nào ông cũng chờ. Cái bóng áo trắng nào thoáng qua cũng hút lấy ánh mắt ông.
Ngày qua … ngày qua …
“Thằng con trai” của ông trở lại với những câu chuyện phố xá ồn ào và những tiếng huýt sáo líu lo dồn dập. Còn ông thì lại nhớ chiếc áo của cô bé mỗi lần nhìn cái áo dơ bẩn của nó.
Cô bé không đẹp, cái áo cũng không đẹp. Nhưng nó trắng sao là trắng! Sạch sao là sạch! Đối với “thằng con ông” , nó như một áng mây.
Ông se lòng, cái se lòng rất đàn bà.
Lắm lúc ông nghĩ sao không để dòng đời bình lặng trôi, nhẹ nhàng trôi, cứ day dứt lại làm gì? Những đám mây bay ngang rồi bay qua. Thôi thì những chuyện như vầy “bay ngang”, xin cũng “bay qua” giùm một cái.
Phương Trinh
Thời gian của bà
Những luống cà những cây chuối cành na
Hai năm một bận cháu về thăm bà
Chiếc ô tô không vào vừa ngõ hẹp
Cháu nhón chân trên con đường lầy lội
Tránh những vệt bùn nâu
Cháu ập vào bà cười móm mém
Cháu vội vàng na ổi đã chín chưa
Giằng tay bà cháu đạp lên những luống cà thưa
Và hớn hở trèo tót lên cây ổi
Cháu học làm tề thiên đại thánh
Cắn miếng rồi vứt hái quả to hơn
Bà nhìn cháu rồi lại cười móm mém
Chiều, bà còng lưng nhặt khắp vườn
Chiều, na ổi cháu đã ăn chán ngấy
Cháu đòi về chơi điện tử cơ
Bà lại hái cho cháu đầy một túi
Móm mém cười nhớ về nhé. Bà chờ...
Hai năm nữa cháu lại về, đúng hẹn
Bà vẫn cười nhưng móm mém hơn
Lưng bà vẫn oằn như nhánh ổi
Cháu leo trèo ổi vẫn ngọt thơm
Hai năm nữa cháu lại về, đúng hẹn
Bà vẫn chờ cháu để gọi tên
Khu vườn nhỏ bà để dành cho cháu
Đừng khóc nhè. Cháu bà dũng cảm lên
Môi bà vẫn một nụ cười trìu mến
Lưng bà còng kê gối cũng chẳng êm
Cháu lặng ngắm đôi tay bà xơ xác
Hình như mình sắp mất một bà tiên...