Đó là bài trích dịch một cuộc phỏng vấn giữa Kishore Mahbubani, tác giả cuốn “Can Asians think?”, và tạp chí salon.com. Bài phỏng vấn được đăng trên salon.com ngày 25-3-2002, một năm sau khi cuốn “Can Asians think” được xuất bản lần thứ nhất. Bạn có thể đọc toàn bài phỏng vấn trên tại đây.
1. Mặc dù bài phỏng vấn được đăng cách đây hơn 5 năm, nội dung cuộc phỏng vấn, hay nói cho đúng hơn là nội dung cuốn sách (vì đa số những quan điểm, lập luận Mahbubani trình bày trong cuộc phỏng vấn đã được tác giả nêu ra trong cuốn sách) vẫn còn giá trị đối với thời điểm chúng ta đang sống năm 2007.
2. Bạn cần chú ý đến tựa đề của cuốn sách, nó là một câu hỏi, “Can Asians think?”. Tháng 5/1999 tap chí Times của Mỹ có đăng một bài viết nhan đề, “It’s True. Asians Can’t Think”. Chỉ cần nhìn vào hai tựa đề là ta có thể suy đoán được lập trường khác nhau giữa hai tác giả.
3. Cuốn “Can Asians think?” là tập hợp những bài viết của Kishore Mahbubani đã được đăng trên các tạp chí uy tín ở Mỹ và châu Á như Foreign Affairs, National Interest, Washington Quarterly, AsiaWeek, v.v. Ngoài ra nó còn bao gồm các bài thuyết trình đã được tác giả trình bày tại các hội nghị quốc tế. Khi in lại thành sách, tác giả đã viết thêm phần introductory note trước mỗi bài nhằm giải thích bối cảnh xuất hiện của bài viết và chỉ ra tính thời sự của bài viết cho tới thời điểm hiện tại sách được in. Tôi đã đọc sơ qua các bài viết chính trong cuốn sách này vào năm 2004, ấn bản lần 1. Cho tới giờ sách đã được in lại với ấn bản lần 3.
4. Cuốn “Can Asians Think?” không phải là dạng sách hàn lâm viết dành cho các giáo sư, sinh viên sau đại học. Sách viết dễ đọc và dễ tiếp thu, tác giả không đào bới, đi sâu vào các vấn đề thuộc phạm trù “khái niệm”. Chẳng hạn tác giả không hề đưa ra định nghĩa hay giải thích cho biết “tư duy” là gì, có những thuộc tính gì, nên dùng những phương pháp gì hay tiêu chí gì để đánh giá ai có tư duy tốt hơn ai. Tác giả căn cứ vào trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế của phương tây để đưa ra lập luận phương tây tư duy tốt hơn phương đông. (Mặc dù điều này vẫn có thể gây nhiều tranh cãi và nhiều người chưa chắc đồng ý, tuy nhiên nó vẫn có sức thuyết phục hơn so với luận điểm bên dưới, khi tác giả dùng ví dụ về Bồ Đào Nha có khả năng dùng sức mạnh quân sự đi xâm lăng và chinh phục các thuộc địa trên khắp thế giới và cho rằng đây bằng chứng của tư duy tốt).
5. Hình như quan điểm của tác giả về câu hỏi “Can Asians think?” đã có chút thay đổi tại thời điểm sách được in nằm 2001 so với thời điểm năm 1997 khi tác giả viết bài tham luận “Can Asians Think?” để trình bày tại International Conference on Thinking in Singapore. Trong bài viết năm 1997, tác giả đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Can Asians Think?” bằng ba trường hợp sau: (i) Yes, they can, (ii) No, they cannot, và (iii) Maybe. Trong từng trường hợp một, tác giả đã đưa ra các lập luận và ví dụ cụ thể để minh họa cho quan điểm của mình. Theo ngụ ý của tác giả, không có câu trả lời nào là câu trả lời đúng duy nhất cho câu hỏi “Can Asians Think?”, và cả 3 trường hợp nêu trên đều có thể được dùng làm câu trả lời đầy thuyết phục cho câu hỏi “Liệu người châu Á có biết tư duy?”. Tuy vậy, khi viết phần introduction cho cuốn sách vào năm 2001, tác giả đã mở đầu như sau:
Liệu người châu Á có biết tư duy? Căn cứ vào lịch sử các xã hội châu Á trong vòng vài thế kỷ qua, câu trả lời phải là không– hay hào phóng hết mức cũng chỉ có thể nói, người châu Á tư duy không được tốt lắm. Nhiều thế kỷ sau khi Bồ Đào Nha vượt ra khỏi vòng lãnh thổ nhỏ hẹp của mình để tạo ra các thuộc địa trên khắp thế giới, từ Brazil cho đến Angola, Mozambique đến Goa, Malacca đến Macau, các xã hội châu Á vẫn tiếp tục trong tình trạng mụ mẫm hay đình trệ […] Những xã hội phải mất hàng thế kỷ mới có thể thức tỉnh không thể gọi là những xã hội có khả năng tư duy tốt.
Không biết điều này thể hiện sự thay đổi lập trường của tác giả hay đơn giản tác giả đang dùng chiêu “khiêu khích” hay “liệu pháp gây shock” để gióng hồi chuông cảnh báo cho giới trí thức các nước châu Á đang rất thành công về kinh tế không nên tự mãn về những gì họ đã đạt được.
6. Lẽ ra báo TT nên dịch thêm một số phần quan trọng khác trong bài phỏng vấn, chẳng hạn phần tác giả trình bày quan điểm của ông về các vấn đề human rights và democracy, cũng như phần nói về đầu óc của phương tây có giới hạn và rất khó để giới trí thức phương tây nhận ra được điều này.
Trong phần Preface của sách ông viết: “Thế giới này sẽ trở nên phong phú hơn nếu như đầu óc phương tây ngừng cho rằng văn minh phương tây là nền văn minh phổ quát duy nhất trên thế giới. Cách duy nhất để đầu óc phương tây có thể thoát ra khỏi chiếc hộp cầm tù tư duy của mình là đầu tiên họ phải nhận thức và chấp nhận (conceive) khả năng rằng óc tư duy phương tây cũng có những giới hạn theo kiểu riêng của nó.”
7. Một ưu điểm đáng chú ý của sách: không phải vì đánh giá phương tây tư duy tốt hơn phương đông mà tác giả mù quáng không thấy những vấn đề nổi cộm của văn minh phương tây và quay lưng lại 180 độ với văn minh phương đông. Trong bài “The Dangers of Decadence: What the Rest can Teach thee West” (Hiểm họa Suy Đồi: Phần Thế giới còn lại có thể dạy cho Phương Tây điều gì), có phần “The West’s Own Undoing” (Phương Tây Tự Hủy Diệt Mình). Trong đó tác giả nhận xét:
[Phương Tây] không có khả năng nhận thức được rằng có thể đã có những yếu điểm về cơ cấu (structural weaknesses) phát sinh ngay trong chính hệ thống giá trị chủ yếu và thể chế của nó. Thiếu sót này có thể phần nào giải thích cho sự tán dương gần đây dành cho lý thuyết [của Fukuyama] cho rằng sự phát triển của lịch sử đã chấm dứt bằng chiến thắng của lý tưởng phương tây, với giả định là tự do cá nhân và dân chủ sẽ luôn bảo đảm văn minh phương tây sẽ luôn dẫn đầu thế giới.
[…] Ý tưởng [tự do cá nhân] này đã đem lại nhiều điều tốt đẹp. Chế độ nô lệ chấm dứt. Quyền bầu cử phổ thông nảy sinh. Nhưng tự do không chỉ giải quyết vấn đề, nó còn là nguyên nhân gây ra vấn đề. Nước Mỹ đã tiến hành hàng loạt các thí nghiệm xã hội, phá tan hết thể chế xã hội này (social institution) đến thể chế xã hội khác vốn có vai trò kiềm chế hành vi cá nhân. Hậu quả thật là tai hại. Kể từ 1960 dân số nước Mỹ gia tăng 41% trong khi tội phạm bạo động tăng 560%, sinh đẻ của các bà mẹ không có chồng tăng 419%, tỉ lệ ly dị tăng 300%, và số trẻ em sống trong các gia đình chỉ có một cha/mẹ tăng 300%. Tất cả những điều này thể hiện sự suy tàn (decay) xã hội quy trên mô lớn. Nhiều xã hội rùng mình trước viễn cảnh đất nước họ phải chịu những cảnh tương tự. Nhưng thay vì đi chu du ra nước ngoài với một thái độ khiêm tốn (humility), người Mỹ lại đi rao giảng một cách rất tự tin về ưu điểm của tự do cá nhân không kiềm hãm, bỏ qua những hậu quả xã hội không thể không thấy.
[…] Các giá trị phương tây không phải là một hệ thống hoàn hảo không vết xướt. Một số giá trị là tốt. Một số là xấu. Nhưng bạn phải là người đứng bên ngoài xã hội phương tây mới có thể thấy điều này rõ ràng và thấy được sự suy yếu tương đối của phương tây là do chính phương tây tạo ra.
8. Vậy còn đâu là những nhược điểm của phương đông? Trong bài “Asia’s Lost Millenium”, tác giả cho rằng phương đông thiếu 3 yếu tố chủ yếu sau khiến nó tự kìm hãm và tụt hậu so với phương tây:
(i) thiếu cơ chế sử dụng và đề bạt những người có tài năng (meritocracy): lớp người nắm quyền chức, tài sản mọc rễ, bám cứng địa vị, không nhường chỗ cho lớp trẻ
(ii) thiếu hoà bình: các quốc gia phương đông vẫn còn kèn cựa, hiếu chiến với nhau, xem quan hệ quốc tế như là trò chơi mạnh được-yếu thua (zero-sum game)
(iii) thiếu trung thực: tham nhũng tồn tại trong khắp các xã hội châu Á, cả xã hội dân chủ lẫn phi dân chủ. Cái giá phải trả không chỉ là kinh tế, nó còn gây ra thiệt hại về mặt xã hội và tinh thần.
Có thể tóm gọn quan điểm của tác giả như sau: châu Á cần học hỏi những ưu điểm của phương tây để theo kịp phương tây nhưng đồng thời phải cố gắng vượt qua phương tây bằng cách tránh không đi vào vết xe đổ của xã hội tây phương.
Nguồn: MinhBien
0 comments:
Post a Comment