Xin không bàn đến những việc bài bạc thường tình những ngày lễ tết hay những lúc nhàn rỗi hay lôi nhau ra sát phạt. Cũng xin không bàn đến các quan chức xã đánh bạc ở nhiệm sở bị đưa lên mặt báo. Và cũng xin không bàn đến các ông tổng nọ tổng kia tham gia đánh bạc hàng triệu đô. Mà những dòng tâm sự này chỉ mong nói đến một canh bạc cuộc đời với bản tính của người Việt.
Cái máu cờ bạc đã ăn sâu vào mỗi người dân Việt đến mức đôi khi họ không còn nhận ra điều đó. Nó ngấm vào từng suy nghĩ cầu mong những hạnh phúc bất ngờ mà không cần phải vất vả bon chen. Phải chăng nó bắt nguồn từ cuộc sống quá khó khăn không thấy lối thoát, có lẽ không phải! Hay đấy là vì mục đích giải trí đơn thuần, cũng không hẳn là như thế. Chỉ biết rằng, những lĩnh vực như là thị trường chứng khoán, bất động sản được mọi người hào hứng xông vào với từ „chơi“. Họ đổ xô nhau vào „chơi“, từ người giàu đến không giàu lắm và chơi bằng vốn của mình cũng như vay mượn. Hình ảnh chăm chú theo dõi biến động và những lời bàn kháo nhau giống hệt như dòng người ào ạt vào các sòng bạc để rất ít người bước ra một cách đắc ý. Tất cả tưởng chừng như giật được nhanh chóng tiền của thiên hạ. Rồi các làn sóng bán hàng đa cấp cũng nhanh chóng thu hút được những người dân Việt máu me làm giàu nhanh chóng. Tất cả như một canh bạc, với số tiền đầu tư ít ỏi, ai cũng sẵn sàng bước vào với giấc mơ hồng để rồi đa số phải thất vọng và trả giá.
Tưởng rằng những người ít học mới ham mê những canh bạc, nhưng không những người tham gia vào canh bạc này thực sự lại là những người được gọi là có tri thức. Các ông bố, bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền gấp hàng chục đến hàng trăm lần số tiền lương sẽ được nhận cho con cái mình có việc làm. Những người „thức thời“ sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ chạy chọt vào những vị trí với mức lương bèo bọt. Tại sao vậy? Họ đang muốn tham gia vào một trò chơi, một canh bạc của cuộc đời. Họ dấn thân vào những chỗ chưa hẳn đã thích hợp với mình, đầu tư khoản tiền khổng lồ với hy vọng đến lượt mình sẽ lại thu tiền của người khác. Người ta thường kháo nhau rằng, cảnh sát giao thông muốn được đứng đường không phải là đơn giản. Một số tiền lớn đã được lo lót và đến lượt họ bất chấp liêm sỉ, danh dự bòn mót từng đồng vất vả của cánh lái xe. Giáo viên vốn là một nghề cao quý nhưng cũng không tránh được thảm cảnh của canh bạc. Để có được một chân giảng viên ở một trường danh tiếng có nghĩa đi đôi với độ dày của tập giấy người ta gọi trắng trợn ra là tiền chứ không phải bằng cấp hay danh tiếng. Người ta có thể dễ dàng nhận ra các lãnh đạo một trường cấp 3 vi vu đi làm bằng xe con như những thương gia hạng nhất. Những cái oai, cái vẻ hào nhoáng bên ngoài này đã được xây đắp từ bòn rút của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh. Đến lượt mình, các giáo viên với đồng lương thực tế ít ỏi lại phải gồng mình vừa kiếm sống, vừa trả lại món nợ đã phải đầu tư ban đầu. Họ đã tham gia vào một canh bạc một cách vô thức mà không biết. Những bộ mặt lạnh lùng, giọng gắt gỏng cáu kỉnh và đôi khi là chửi bới có thể dễ thấy ở nơi người ta đáng được an tĩnh như bệnh viện. Tại đó, có những viên chức tự cho mình cái quyền được cao giọng với người khác chỉ vì người đó đang nhờ lụy mình. Thực tế rằng những người đáng an dưỡng và bị gắt gỏng kia lại đang trả tiền và nuôi sống những người gắt gỏng họ bằng những cách trực tiếp thô thiển sau tờ phong bì hay gián tiếp qua bệnh viện. Và một thực tế phũ phàng rằng, để có được một chân trong một bệnh viện „ngon“ thì số tiền chi ra cũng phải rất „ngon“. Như vậy họ là những người trước hết là đáng trách nhưng cũng là những nạn nhân của canh bạc cuộc đời mà họ tham dự. Vì mong muốn có cuộc sống đầy đủ hơn về mặt vật chất, họ cùng nhau bán rẻ lương tâm và ngang nhiên như là một sự hiện nhiên của xã hội hiện tại. Trong các cuộc đấu thầu, người ta thán phục những ai dám „chơi“, càng dám „chơi“ càng chứng tỏ một bản lĩnh của những tâm hồn Việt đang đánh bạc với cuộc đời. „Chơi“ ở đây đồng nghĩa với „chi“, người „dám chơi“ là người dám chi, dám „lại quả“ mạnh tay hơn mà vẫn hợp thức hóa được tất cả chứng từ và bịt mắt được công luận. Người ta cũng thán phục nhau giỏi tài biến báo và hợp lý hóa các thủ tục lắt léo. Mỗi khi lương tâm vấn hỏi thì một cách nhẹ nhàng „cái cơ chế nó thế“, vâng, trăm sự tại cái „cơ chế“, một cách đổ tội tài tình hợp lý cũng như cách đây chưa lâu người ta đổ tội cho „lịch sử“. Không gì dễ bằng đổ tội cho cái mà chẳng thể nào thanh minh, „lịch sử“, „cơ chế“ chẳng bao giờ biết cãi lại mà chỉ im lặng nhận bao nhiêu thứ tội lỗi người ta đang trút lên đầu mình.
Một niềm đau nhức nhối mà mỗi người hàng ngày đối mặt không cách giải quyết, mỗi người đều phải gặm nhấm nó để rồi lúc nào đó lại chà xát lên nỗi đau của người khác để thấy mình có vị trí một chút, có oai một chút, một chút hả lòng để quên đi những khó khăn hiện tại. Tại sao chúng ta lại cứ phải đay nghiến, hành hạ nhau trong cuộc sống đã đầy rẫy khó khăn? Tại sao những người Việt lại ham mê trong canh bạc cuộc đời của chính mình. Hình ảnh các tiếp viên nam nữ hàng không Việt Nam lễ mễ bê đủ các loại mỹ phẩm tại sân bay Frankfurt để kiếm thêm thu nhập, giáo viên thu từng đồng khó nhọc của sinh viên, các y tá thu từng chục ngàn của bệnh nhân mong được nhẹ nhàng khi đối xử, hay cảnh sát giao thông phục kích từng đồng của cánh lái xe như những nỗi đau cấu xé lòng của những người chưa vô cảm.
Nhưng có một sự thật là khi phải sống trong những nỗi đau thì con người ta cũng trở nên chai sạn, tàn nhẫn hơn. Họ cũng sẵn sàng gây những nỗi đau cho người khác mà không cần áy náy và suy nghĩ. Đời là thế!
(Bài đã đăng tại Tiền Phong)
0 comments:
Post a Comment