Sunday, January 31, 2010
Sunday, January 17, 2010
Hủ tíu và cuộc đời
Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghĩa sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã “giới hạn” sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!
Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.
Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.
Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.
Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc “hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo…”. gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.
Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.
Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:
“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi…”
Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có “sự kích thích” nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, “cung” và “cầu” thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.
Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: “Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?”. À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên “Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!” nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: “Hủ tiếu là cuộc đời!”.
Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.
Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.
Hạnh Nguyễn
Lúc bé...
Lúc bé, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn...
Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười...
Lúc bé, tưởng đông bạn là hay, bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình...
Lúc bé, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế...
Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay...
Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được...
Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn...
Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cá thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình...
Lúc còn bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao...
Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D; bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả...
Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất...
Khi bé tưởng chỉ có hôm nay, lớn lên mới biết còn có ngày mai và quá khứ !
Bức tranh
Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo, nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.
Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
Nguồn: Áo 2 dây
Friday, January 15, 2010
Người là loài duy nhất cười nhạo đồng loại
Tiến sĩ Marina Davila Ross, nhà linh trưởng học kiêm chuyên gia tâm lý của Đại học Portsmouth, Anh, từng nghiên cứu cách con người học cười từ những động vật linh trưởng vốn là tổ tiên của chúng ta. Daily Mail cho biết, trong một nghiên cứu mới, cô nhận thấy kể từ khi biết cười, các loài động vật linh trưởng đã sử dụng tiếng cười vào nhiều mục đích.
"Tiếng cười của người và động vật linh trưởng châu Phi tiến hóa xa hơn so với động vật linh trưởng châu Á", Ross nhận xét.
Ban đầu tổ tiên của chúng ta cũng chỉ dùng tiếng cười để tác động tới người khác. Nhưng trong 5 triệu năm qua con người đã sử dụng tiếng cười vào nhiều mục đích hơn.
"Tiếng cười có thể xuất hiện trong mọi hình thức tương tác giữa người với người, kể cả nhạo báng nhau", Ross nói.
Nghiên cứu của Ross cho thấy, mặc dù tất cả hậu duệ của những loài động vật linh trưởng lớn đều biết cười, song âm thanh của tiếng cười thay đổi dần trong quá trình tiến hóa. Sự thay đổi âm thanh diễn ra đồng thời với thay đổi về hành vi của các loài. Chẳng hạn, động vật linh trưởng lớn ở châu Á có xu hướng phát ra những tiếng kêu nhiều hơn tiếng cười. Trong khi đó người và động vật linh trưởng lớn tại châu Phi cười nhiều hơn.
Ross thực hiện nghiên cứu cùng Michael Owren - một nhà khoa học của Đại học Georgia, Mỹ - và Elke Zimmermann - chuyên gia của Đại học Thú y tại thành phố Hannover, Đức. Công trình nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Communicative and Integrative Biology.
"It has long been claimed that human emotional expressions, such as laughter, have evolved from nonhuman displays. The aim of the current study was to test this prediction by conducting acoustic and phylogenetic analyses based on the acoustics of tickle-induced vocalizations of orangutans, gorillas, chimpanzees, bonobos, and humans. Results revealed both important similarities and differences among the various species’ vocalizations, with the phylogenetic tree reconstructed based on these acoustic data matching the well-established genetic relationships of great apes and humans. These outcomes provide evidence of a common phylogenetic origin of tickle-induced vocalizations in these taxa, which can therefore be termed “laughter” across all five species. Results are consistent with the claims of phylogenetic continuity of emotional expressions. Together with observations made on the use of laughter in great apes and humans, findings of this study further indicate that there were two main periods of selection-driven evolutionary change in laughter within the Hominidae, to a smaller degree, among the great apes and, most distinctively, after the separation of hominins from the last common ancestor with chimpanzees and bonobos."
Nguồn: vnexpress
Wednesday, January 13, 2010
Quê tôi
Sinh ra trên mảnh đất này
Tôi yêu chim chóc, hàng cây, cửa nhà
Yêu từ góc bếp yêu ra
Yêu từ biển rộng đảo xa yêu vào
Yêu bông hoa dại bên rào
Yêu làn mây trắng cao cao giữa trời
Tôi sinh ra giữa cuộc đời
Yêu người thân thuộc lẫn người không quen
Yêu ô cửa sổ sáng đèn
Em thơ ngồi học, mẹ hiền vá may
Cha tôi đi cuốc đi cày
Tôi yêu đồng ruộng đêm ngày nắng mưa
Chị tôi đi sớm về trưa
Tôi yêu lối cũ đường xưa trong làng
Mối tình thầm lặng tôi mang
Tôi yêu cô gái đã làm khổ tôi
Mai sau tôi có lìa đời
Tôi yêu nắm đất nơi tôi sẽ nằm...
(Tôi là Bê Tô - Nguyễn Nhật Ánh)
Monday, January 11, 2010
Thursday, January 7, 2010
Để anh cõng em lên nhà
Cô là nhân viên văn phòng, anh làm nghề bốc vác trong thành phố.Sau ngày tốt nghiệp phổ thông, hai người rẽ theo những quỹ tích khác biệt nhau của tuổi trẻ. Nhưng họ vẫn còn giữ mối tình đầu của nhau. Nhưng chỉ giữ mà thôi.
Ban ngày, cô đi làm, ngồi quán cafe thời thượng với đồng nghiệp; chiều tan sở, cô ăn que kem rẻ tiền anh mua; buổi trưa, cô ăn cơm trong nhà hàng đắt tiền, buổi tối, cô đi ăn với anh trong những quán mì vằn thắn tồi tàn.
Cô nghĩ, cuộc sống của mình sao quá lệch pha. Cứ yêu kiểu này mãi, từ ngày đầu tiên tới ngày hôm nay, dường như rồi sẽ báo trước đến một kết cục nào đó.
Mỗi lần đón người yêu, anh thường tiễn cô tới tận cửa thang máy đi lên căn hộ của cô trong chung cư mới, chúc cô buổi tối an lành, rồi vội vàng đi. Hôm đó cô làm nũng, nói: “Anh cõng em đi!”
Anh nhìn thang máy, nó vẫn chạy tốt. Nhưng anh không hỏi lý do, cõng cô, từ tầng một, đi theo cầu thang bộ lên tầng. Cô hỏi anh có mệt không, anh đáp: “Có, mệt hơn vác bao tải hàng!”
Cô hơi cảm động vì anh nói thật.
Thế nhưng họ vẫn chia tay nhau. Vì cảm động hay mối tình đầu vẫn không phải là thứ đảm bảo được cho họ.
Thành phố chẳng thiếu cửu vạn, anh chia tay cô xong, quyết định về quê. Đôi khi gọi điện thoại lên thành phố, kể cho cô biết, bây giờ anh trồng vườn, kiếm chút tiền. Cô nghe thấy quá xa lạ, quá nhạt nhẽo. Khi đó cô đã có người yêu mới, cũng làm nhân viên văn phòng như cô.
Một ngày anh gọi điện từ quê lên, nói anh đã kiếm đủ năm nghìn tệ, số tiền này ở quê có thể cưới được vợ rồi. Cô chợt phát hiện thấy, khi buông máy, mắt mình hơi ướt.
Người yêu mới cũng ngày ngày đón cô tan sở, tiễn cô tới chân thang máy, rất lịch thiệp nói chúc em buổi tối tốt lành.
Có lần cô đòi người yêu cõng lên nhà, chàng đồng ý ngay.
Lúc đó thang máy đang ở tầng một, chàng cõng cô lên, xông thẳng vào thang máy, rồi đứng ở đó, vẫn cõng cô trên vai, bấm số tầng cô ở, chàng cười hì hì bởi hiểu ra trò đùa của cô.
Thế mà hôm đó, cô đã không làm sao vui được.
Cô gọi điện về quê, gặp người yêu cũ, cô hỏi mối tình đầu của mình: “Số tiền năm nghìn tệ lần trước anh nói ấy, anh đã tiêu chưa?”
Anh ngập ngừng: “Đã tiêu rồi!”
Cô buông máy điện thoại xuống, giây phút ấy bỗng dưng thấy như mình vừa mất đi cả một thế giới.
Mấy hôm sau về đến nhà, dưới chân cầu thang máy, cô thấy người yêu cũ đứng đấy, tay nâng một chiếc nhẫn đắt tiền, nói với cô: “Đây là năm nghìn tệ!”
Cô khóc, và anh nói, “Để anh cõng em lên nhà nhé!”.
Nguồn: Phapsu
Bữa cơm của bố
Con bé buông đũa đứng dậy, chạy vụt ra ngoài, tới cửa phòng ăn cố bước chậm hơn, chờ một tiếng gọi quay lại.
Từ ngày mẹ bị bệnh, con bé vất vả hơn, hay thức đêm, sáng đến tối hết chạy từ nhà ra chợ thay mẹ bán hàng, lại chạy từ chợ đến trường cho kịp giờ. Mới năm đầu đại học mà nó già đi trông thấy.
Mẹ bán rau ngoài chợ nên những ngày ế ẩm tha hồ ăn rau. Từ ngày mẹ bệnh, rau cũng ít. Số tiền vốn mẹ đưa, con bé chia một nửa đi cất hàng về bán, một nửa mua thuốc cho mẹ. Mẹ dè xẻn bẻ từng viên làm đôi chia hai lần uống, nhưng thuốc trong hộp vẫn vơi dần rồi hết. Mẹ không nói nhưng qua làm sao được mắt con bé. Có lần nó thấy mẹ mang hộp không ra ngửi, cố hít lấy cái mùi hăng hắc còn sót của thuốc…
Con bé lại chia năm xẻ bảy số vốn còn lại. Cứ như thế, cơm trong nồi vơi hụt dần, nhão hơn rồi chuyển thành cháo. Rau cũng không còn đủ ăn nói gì đến chuyện mang bán. Cái hộp cũng đã bay hết mùi thuốc, chuyển sang mùi ẩm mốc. Bệnh của mẹ nặng hơn.
Ba ngày hôm nay, con bé chỉ uống nước cháo. Gạo trong thùng gần hết. Nó ngồi bần thần và chợt nghĩ đến bố. Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ thường nói “Bố đi bán mình từ lâu rồi”. Mãi sau con bé mới biết người đàn bà trẻ đẹp dạo trước tìm đến tận nơi bắt nó phải về nhà ông bà nội ăn giỗ là vì bà ấy muốn cả họ nội biết mặt con riêng của chồng xấu đến mức nào. Đó cũng là lần đầu tiên con bé thấy mặt bố, người vừa lùn vừa béo mà ai cũng tíu tít gọi là đại gia.
Bố trẻ hơn mẹ hai tuổi. Mẹ từ quê ra thành phố học, bố trốn ông bà nội ra ở chung với mẹ. Mẹ sinh con rồi bố mới đi lấy vợ. Nó chẳng biết quê ngoại ở đâu vì mẹ không bao giờ nói. Lớn lên chỉ biết có mẹ và hàng rau xanh ngăn ngắt.
Mẹ bán rau cừ lắm. Đủ tiền mua chung cư hạng rẻ và nuôi nó lên đại học. Nhưng cũng từ đó, vốn vơi dần như chiếc bánh mỳ bị ai đó tham ăn véo lấy một miếng thật to rồi thỉnh thoảng véo tiếp một miếng.
Giờ thì hai mẹ con sắp nguy. Đến cháo cũng không có để ăn nữa. Sáng nay bên giáo vụ thông báo nếu không nộp tiền học phí trước ngày mai thì chắc chắn phải hoãn thi và bảo lưu kết quả. Con bé không muốn chút nào. Cũng sáng nay sinh nhật cái Vân tổ chức trong lớp, lúc dọn dẹp vỏ bánh kẹo, con bé phát hiện một lon trà bí đao và một chiếc bánh Custas còn nguyên chưa bóc. Nó mừng lắm, mở khóa ba lô thả vào nhưng lóng ngóng làm tuột lon trà bí đao xuống nền gạch, lăn mấy vòng. May lúc ấy mỗi cái Vân nhìn thấy, không nói gì mà còn ra hiệu cho con bé xòe tay đưa cho ba cái kẹo.
Mẹ ăn bánh Custas, nó uống trà bí đao, còn ba cái kẹo định để dành lúc nào thật đói. Trà bí đao ngon ngọt thật nhưng đang đói uống vào thì cào cấu gan ruột. Con bé đã ngậm hết cả ba cái kẹo mà chẳng bõ bèn gì. Nó cố gắng nhắm mắt hy vọng sẽ quên đi cơn đói, nhưng càng đói càng khó ngủ. Cuối cùng cũng thiếp đi được một giấc, lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng. May quá, hình như không còn thấy đói nữa. Con bé đứng lên đi được vài bước thì mắt tối sầm lại, chân tay mềm oặt, bước liêu xiêu…
Nhà bố cách đó không xa lắm, nhưng đường phố đông đúc, lòng vòng, tìm mãi mới đến nơi. Thằng em cùng cha khác mẹ mà con bé mới gặp đúng một lần ở nhà nội thấy chị đến thì vui sướng, ôm quay mấy vòng nói “em nhớ chị”. Thằng em lấy xe đạp chở chị đi lòng vòng mấy con phố rồi tạt vào cửa hàng bán mỹ phẩm của mẹ, vừa cầm một thỏi son vừa giải thích đây là loại son đắt tiền nhất trong cửa hàng quệt lên môi con bé.
Hai chị em tiếp tục đạp xe đi qua mấy con phố. Đến cửa hàng bán xe máy của bố, thằng em dừng lại, dắt chị gái đi vào. Đủ loại xe, nó giảng một thôi một hồi, con bé nghe xong chẳng nhớ được gì. Lại đạp xe đi thêm mấy con phố nữa, thằng bé nói liến thoắng, còn nó thì sắp lả đi vì đói.
Bố hôm nay cũng về. Bố cũng đã nhận ra con gái, vui vẻ hỏi han. Con bé tíu tít nói với ông rất nhiều chuyện. Giờ nó mới nhận thấy bố cũng rất đáng yêu chứ không như nó nghĩ trước kia.
Cơm vẫn chưa được dọn nhưng bà mẹ thằng bé đã chạy ra mấy lần: “Con bé đã về chưa?”, “Con bé có ăn cơm không?”, “Vẫn chưa về à? Bảo nó về đi để cả nhà còn ăn cơm”.
Cuối cùng, một bữa cơm thịnh soạn cũng được dọn ra. Con bé rất đói bụng nhưng cũng cố gắng làm hết thủ tục trước khi ăn của một gia đình giàu có. “Những món ăn này mà mang về cho mẹ…”. Con bé đang nói thế thì người đàn bà ném “xoảng” đôi đũa xuống: “Hôm nay con bé này đến cửa hàng vàng bạc, tự nhiên mất một sợi dây chuyền hai chỉ”. Con bé luống cuống, mặt cắt không còn hạt máu. Quên cả đói, nó buông đũa đứng dậy, chạy vụt ra ngoài, tới cửa phòng ăn cố bước chậm hơn, chờ một tiếng gọi quay lại.
Thằng em đứng dậy toan chạy theo thì bị tiếng bố chặn ngang:
- Kệ cho nó đi.
Nguồn:Phapsu
Ghi và xóa
Nhà tôi có một quán tạp hóa ở giữa làng, trước ủy ban xã, gần trường học, địa điểm thuận lợi nên khá đông khách.
Quán tạp hóa của má tôi bán đủ thứ từ gạo cám, mắm muối đến sợi chỉ cây kim, thậm chí có cả những thứ thuốc thông thường như đau bụng, nhức đầu, và dầu khuynh diệp.
Làng quê tôi thuở ấy nghèo lắm, đa số làm nghề nông nhưng đất đai khô cằn, mỗi năm chỉ trồng lúa, trồng đậu phộng được vào mùa mưa. Mùa nắng cây cỏ vàng cháy quắt queo, đồng không hoang hóa. Còn những người không có được thẻo đất cắm dùi thì làm mướn quanh năm, tay làm hàm nhai, không có việc làm một ngày là không có tiền đong gạo.
Quán rất đắt khách, lẽ ra nhà tôi phải ngày càng giàu hơn mới phải, vậy mà có những hôm má tôi không đủ tiền đi chợ lấy hàng. Những lúc ấy má tôi hay nhìn lên vách ván thở dài. Trên tấm vách ván ngăn căn nhà thành hai nửa, phía trong để ở, phía ngoài bán hàng dày đăc những hàng chữ ghi nợ. Thím hai 1 lít gạo, bà Tư xị nước tương, ba cái hột vịt.., bác Năm 2 gói thuốc cảm…
Tôi thuở ấy mới bảy tám tuổi đầu hay quẩn quanh bên má, mỗi lần thấy ai mua thiếu liền hăng hái lấy phấn viết lên vách ván, khi có ai đến trả tiền lại tích cực xóa đi. Nhưng thường những lần mua chịu nhiều hơn lần trả, những dòng chữ trên vách ngày một nhiều hơn. Có những dòng chữ mau mắn được xóa đi, nhưng có những dòng chữ cứ nằm hoài trên vách từ ngày này sang tháng khác.
Có lần hụt tiền đi chợ, má đứng nhìn lên vách ván hồi lâu rồi không hiểu sao lại lấy giẻ lau đi vài dòng chữ. Tôi ngạc nhiên: “Ủa má ơi, mấy người này chưa trả tiền mà sao má xóa đi?”. Má từ tốn: “Bác Hai (hay cô Ba, bà Năm gì đó…) nghèo lắm, mình ghi nợ hoài bác cũng không có tiền trả đâu, má xóa đi, quên là người ta đang nợ thì mình sẽ thấy vui hơn con à”.
Giải nhì cuộc thi viết "Cửa sổ tâm hồn" TTO 2008
Theo tuoitre.com.vn