Sư phụ hỏi:
- Tranh luận để làm gì?
- Thưa thầy, tranh luận là để phân định Đúng Sai.
- Tranh luận như thế chỉ mất thời gian. Đúng - Sai, Phải - Trái phụ thuộc vào góc nhìn, rất khó để phân định rõ ràng.
Thực tế đúng như Sư phụ nói.
Chẳng hạn, cái ly này ở bên trái ta, nhưng với người đối diện nó lại ở bên phải; người bán hàng thì nói giá như thế là rẻ, trong khi người mua hàng cho rằng giá như thế là đắt; chuyện tốt với người này, có thể xấu với người khác; khi một trọng tài rút thẻ đỏ, bên hưởng lợi nói trọng tài đúng, bên thiệt hại nói trọng tài sai… Những cuộc tranh luận để phân thắng thua trong những trường hợp này thường vô bổ và không có hồi kết.
- Vậy không cần tranh luận nữa sao, thưa thầy?
- Vẫn cần. Rất cần.
- Vậy mục đích của tranh luận là gì, thưa thầy?
- Là để hiểu vấn đề rõ ràng hơn; là để biết, ngoài quan điểm của ta, còn có những quan điểm khác; là để biết ngoài cách đánh giá của ta còn có những cách đánh giá khác; là để biết ngoài giải pháp của ta còn có những giải pháp khác…
- Phương pháp gì để đạt được mục tiêu này, thưa thầy?
- Chỉ một phương châm: Đừng ngắt lời - Hãy lắng nghe.
Bài học thật đơn giản.
Nhưng hoá ra, nó rất khó nhập tâm.
Đã gần ba năm kể từ khi sư phụ dạy bài học này, vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn giữ thói quen cũ, lao vào các cuộc tranh luận căng thẳng, hai bên cùng tranh nói, chẳng ai chịu nghe ai, bên nào cũng cho rằng mình đúng, bên này cố gắng chứng minh bên kia sai, cuối cùng chẳng ai thuyết phục được ai, hai bên đều tức giận và quan trọng nhất là vấn đề không rõ hơn, mà còn tối đi. Tranh luận như thế đúng là vô bổ, mất thời gian và mang bực tức vào thân.
Lúc đó tôi mới nhớ lời Sư phụ dạy.
Và mỗi lần vận dụng phương châm “Đừng ngắt lời - Hãy lắng nghe”, tôi thấy hiệu quả rất tốt. Vì ta không ngắt lời nên các bên có điều kiện nói hết ý. Vì ta lắng nghe, nên hiểu được hết ý của các bên. Ta biết thêm nhiều điều qua các cuộc tranh luận. Ta không còn nhìn vấn đề phiến diện. Và khi ta nói, mọi người cũng không ngắt lời, cũng chú ý lắng nghe…
Tranh luận như thế thật thú vị và bổ ích. Tranh luận không còn để phân định thắng thua. Tranh luận, với tôi, còn là một phương pháp học tập mới, rất tích cực và hiệu quả.
.
.
.
1 điều nữa là Tranh luận và quyết định là hai quá trình khác nhau. trong các phiên toà, Luật sư và Công tố tranh biện trước. Khi rõ vấn đề, quan toà mới dễ quyết định hơn. Và quan toà là người quyết định thì không tham gia tranh luận! Và thuyết phục và tranh luận là hai khái niệm khác nhau .
.
.
.
HOÀNG MINH CHÂU